Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Kỳ lạ xã… “trốn trời”

(CATP) - Bị ám ảnh đến nỗi hễ có mưa là cả xã không ai dám bước ra đường vì sợ sét trên trời vô tình “nện” xuống đầu, xấu số thì tử vong, nhẹ cũng bị thương tật, tàn phế... Thế nhưng có những người xấu số không thể trốn được... ông Trời! Hàng chục năm qua, người dân nơi vùng đất “kỳ bí” này vẫn sống cảnh thấp thỏm, lo âu sau những trận mưa giông. Họ đang cần một giải pháp khoa học từ cơ quan chức năng.

Ngày sét đánh kinh hoàng

Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi tìm về xã Ninh Thượng (TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) để nghe những câu chuyện về sét đánh. Đã gần 5 tháng trôi qua, nhưng bây giờ người dân Ninh Thượng vẫn rùng mình về ngày sét đánh vào đúng dịp 30-4 vừa rồi. Hôm đó, hàng chục người dân Ninh Thượng đang phơi lúa trước sân nhà kho HTX thôn Tân Hiệp.

Đến xế trưa, bỗng nhiên mây gió ùn ùn kéo về, bầu trời tối sầm, âm u. Không lâu sau, những tia chớp sáng lóa cả bầu trời bắt đầu xuất hiện, rồi tiếng sét gằn gừ tứ phía. Trong khi người dân chưa kịp di tản, một tiếng nổ lớn đánh trực diện xuống nóc nhà HTX Tân Hiệp, làm hơn 10 người đang trú tại đây ngã lăn đùng. Chị Lê Thị Ngọc Hạnh - nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sét đánh này kể lại: “Hôm đó tôi và hơn 10 người khác đang phơi lúa, khi trời có dấu hiệu sắp mưa thì mọi người nháo nhào cào lúa. Riêng tôi và hai người khác khi chưa kịp bước vào nhà kho thì bị một dòng điện níu chận lại, dù cố vùng vẫy nhưng hai chân khụy xuống... Sau tiếng nổ, tôi ngất xỉu và không biết chuyện gì xảy ra”.

< Chị Tô Thị Minh Lâm - nạn nhân bị thương nặng nhất vẫn phơi lúa ngay tại nơi từng bị sét đánh.

Tại sân phơi lúa HTX Tân Hiệp, chị Tô Thị Minh Lâm - nạn nhân bị thương nặng nhất trong vụ sét đánh vẫn phơi lúa tại sân HTX như thường lệ, như chưa từng có chuyện sét đánh xảy ra với chị. Nhiều người dân Ninh Thượng cho biết, chị Lâm thoát chết là điều kỳ diệu vì hôm sét đánh trúng đầu, chị bị thương nặng nhất nên mọi người nghĩ không qua khỏi. Sau vụ sét đánh, tâm trí chị Lâm có phần “không bình thường”. Vậy nên khi chúng tôi hỏi, giờ chị có sợ sét không? Chị Lâm lắc đầu bảo: “Có nhớ gì đâu mà sợ!”.

Tâm sự với chúng tôi, chị cho biết điều duy nhất cảm nhận được là sức khỏe mình yếu dần, tay chân thường xuyên run rẩy, đầu bị choáng. Ông Võ Văn Ẩn, Trưởng thôn Tân Hiệp - người có hơn 20 năm làm trưởng thôn, cho biết năm nào ông cũng chứng kiến cảnh sét đánh xảy ra. Mỗi năm sét đánh hàng chục vụ, có vụ làm chết người, nhưng làm chết trâu bò, hư hỏng nhà dân thì rất nhiều. Từ đầu năm 2014 đến nay Ninh Thượng xảy ra nhiều vụ sét đánh liên tiếp nên giờ dân sợ sét lắm, hễ có mưa là không ai dám ra đồng, bỏ bê công việc. “Nhưng chạy đâu cho khỏi trời. Sau vụ sét đánh tại HTX thì vụ sét đánh tại nhà ông Trần Văn Toàn ở cùng thôn khiến nhiều người bàng hoàng. Khi ông này với nhóm bạn 6 người đang ngồi nhậu trong nhà, bỗng sét đánh từ nóc xuống xé toang bàn nhậu và làm cả nhóm lăn đùng ra ngất xỉu. Rất may không ai tử vong”, ông Ẩn kể lại.

Dân “bỏ của chạy lấy người”

< Chị Lê Thị Ngọc Hạnh thoát chết nhưng để lại vết sét đánh lằn sâu trên cổ.

Ninh Thượng là xã thuần nông, có 7 thôn nằm lọt thỏm giữa hai ngọn núi Vọng Phu và Ổ Gà. Bởi nằm trong một thung lũng nên nơi đây thường được phù sa vun đắp, nước tưới đủ quanh năm. Vì thế, trong các nghề thì trồng lúa là thế mạnh của dân Ninh Thượng. Ngày chúng tôi đến, Ninh Thượng đang vào vụ thu hoạch lúa nhưng không hiểu sao những cánh đồng trĩu lúa đã chín vàng ruộm vẫn thưa thớt người ra đồng. Lạ kỳ hơn là nhiều chiếc máy gặt lúa hiện đại, trị giá hàng trăm triệu đồng nằm giữa ruộng, nước đã ngập tới thân máy. Đang băn khoăn thì chúng tôi gặp bà Liên, một người dân Ninh Thượng đang phơi lúa trên con đường chính chạy vào trung tâm xã. Bà cho hay, hôm nay ít người ra đồng vì trời âm u, kiểu gì chiều trời cũng mưa. Còn mấy chiếc máy gặt lúa nằm đồng là do xế chiều hôm qua Ninh Thượng có mưa to, sấm chớp dữ dội nên người ta “bỏ của chạy lấy người” vì sợ sét “dội” xuống đầu như từng xảy ra. Nói rồi, bà Liên quay đi và không quên dặn dò: “Mấy chú nhớ rời Ninh Thượng trước khi trời đổ mưa giông nhé!”.

Trước đây, khi sét đánh chết người hoặc bị thương thì dân chúng Ninh Thượng cũng nghĩ đó là tai nạn bất khả kháng. Vậy nên rất nhiều người chủ quan ra đồng, đi lại thoải mái khi có sét. Bởi vậy mà nhiều cái chết thương tâm cứ thế diễn ra. Còn bây giờ mọi chuyện đã khác, họ sợ sét đến nỗi đang ăn cơm thấy sét cũng bỏ chạy tìm chỗ trú. Theo ông Nguyễn Danh, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Thượng, cứ hễ có mưa là Ninh Thượng có sét đánh, dân bị tra tấn. Sét đánh dữ dội nhất lúc trời đang nắng đột ngột chuyển sang mưa, sét đánh từ núi rừng ra tới đồng ruộng, không chừa chỗ nào. Có lúc, đang ngồi làm việc, tiếng sét nổ như bom khiến nhiều người giật bắn mình.

Chống sét... trên mạng

< Hòn đá vàng tại Ninh Thượng vẫn là một kỳ bí.

Theo lãnh đạo xã Ninh Thượng, sét đánh xảy ra hầu hết các thôn của xã, nhưng mấy năm nay thôn Tân Hiệp có cường độ sét đánh nhiều, kinh khủng hơn. Trước đây người dân còn thờ ơ với tai nạn do sét đánh gây ra, còn mấy năm nay khi xảy ra nhiều vụ sét đánh nghiêm trọng nên dân rất sợ, cụ thể là sau các vụ đầu năm nay. Vậy nên, mỗi khi trời mưa, sấm chớp là người dân mặc kệ chuyện đồng áng, miễn sao tránh được sét. Ông Nguyễn Danh cho biết thêm: đến thời điểm này không có con số chính xác về thương vong do sét đánh gây ra tại Ninh Thượng vì chuyện sét đánh được người dân “bằng lòng” như một tai nạn, nhưng cả chính quyền và người dân đều khẳng định, hầu như năm nào cũng có vài vụ sét đánh xảy ra gây thương vong.

Đã nhiều lần dân kiến nghị nên có nghiên cứu, tìm biện pháp chống sét, giảm thiệt hại về người và tài sản cho dân nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Nói như ông Nguyễn Danh thì lãnh đạo xã cũng dừng lại ở chỗ kiến nghị lên cấp trên. Và thực tế từ trước đến nay chưa một ai về Ninh Thượng để nghiên cứu hiện tượng sét đánh tại đây. Lo cho dân nhưng lực bất tòng tâm, ông Danh tự lên mạng tìm hiểu cách phòng sét về phổ biến cho bà con.

< HTX Tân Hiệp - nơi xảy ra vụ sét đánh làm hơn 10 người thương vong.

Nhiều câu hỏi vì sao Ninh Thượng luôn xảy ra tình trạng bị sét đánh? Có thông tin rằng ở đây có mỏ vàng, mỏ kim loại quý nào đó nên “hút” sét. Cũng có ý kiến rằng Ninh Thượng có sự tích Hòn đá vàng. Chuyện là ngay trên đường vào trung tâm của xã có khối đá khổng lồ, hình thù kỳ lạ, có từ khi nào không ai hay. Dân truyền cho nhau nghe: Trước đây có một người khổng lồ dùng đòn gánh hai hòn đá, một hòn đá vàng và một hòn đá đen. Không may, khi người khổng lồ đi qua địa phận xã Ninh Thượng, đòn gánh gãy và hòn đá vàng rơi lại Ninh Thượng, hòn đá đen lăn sang xã Ninh Xuân ở kế bên. Nay khi nhiều sự việc xảy ra do sét đánh, người ta nghĩ đến sự tích này với cách nghĩ, suy diễn khác nhau.

Một cán bộ ngành khoa học tỉnh Khánh Hòa cho biết, cách tốt nhất phòng sét đánh hiện nay là người dân khi đi ra ngoài không mang theo vật dụng kim loại. Tuy nhiên, thực tế sét đánh ở Ninh Thượng không chỉ có ngoài đồng, ngoài đường mà ngay nhà dân sét cũng không tha. Sét đánh triền miên, dân ngày một âu lo, đó là thực tế tại Ninh Thượng.

Theo Thiên Hùng (Báo Công An Nhân Dân)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét