Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Vẻ đẹp của một phế tích

(ĐĐK) - Mặc dù là một phế tích đã bỏ hoang nhưng khu Mộ ông Lân ở phường Hiệp Thành (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) luôn là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch, bởi lối kiến trúc độc đáo và những tàn tích còn sót lại từ hàng trăm năm nay. Đặc biệt những ngày cuối tuần rất nhiều bạn trẻ tìm đến đây chụp hình cưới làm kỷ niệm dù thực chất, đây là một khu mộ lớn.

Chủ nhân của khu mộ phế hoang này là ông Trần Văn Lân, một người giàu thuộc hàng bậc nhất của vùng đất Thủ xưa. Ông Trần Văn Lân là người sinh thời theo nghề buôn gỗ, từng có nhiều trại cưa nằm ven sông Sài Gòn cũng như ở vùng rừng núi thượng nguồn dòng sông này ở phía biên giới giáp với Campuchia. Không chỉ là một thương nhân lừng danh, các con ông Trần Văn Lân cũng rất thành đạt.

< Mặt chính diện cổng tam quan của lăng mộ. Những gì còn lại cho thấy khu mộ là một quần thể kiến trúc kiểu phong kiến được xây dựng công phu.

Cụ thể, ông Trần Văn Hổ là một đốc phủ, một chức quan khá lớn thời bấy giờ. Các người con khác gồm Trần Văn Tề, Trần Công Vị, bác sĩ và Trần Văn Trai, một vị tiến sĩ. Đặc biệt, người con thứ 3 của ông, Trần Công Vàng - một nha sĩ danh tiếng, làm rạng danh dòng họ khi bỏ tiền xây hàng chục khu dinh thự nhà họ Trần nằm rải rác nhiều nơi ở vùng đất này.


< Tượng nghê đá trước tam quan.

Một trong những công trình đó hiện vẫn còn, đó là biệt thự cổ Trần Công Vàng, một Di tích lịch sử văn hóa quốc gia của tỉnh được công nhận vào năm 1993.

Quay trở lại câu chuyện về ông Trần Văn Lân với những người con giàu có, tài giỏi và danh tiếng thời bấy giờ. Có người cao tuổi ở đây kể lại rằng, lúc ông Lân còn sống, cách đây khoảng hơn 100 năm, người dân ở vùng Thủ Dầu Một không ai dám dùng từ "múa lân” trong những ngày lễ hội, mà họ phải gọi là "múa cù” để tránh tên húy của ông.

< Các ngôi mộ ở nơi đây gồm 3 ngôi mộ cổ cùng một số mộ nhỏ hơn mới được xây cất.

Nói vậy để thấy rằng, không những nổi tiếng giàu có, ông còn được nhiều người dân trong vùng kính trọng, quý mến, cảm phục vì các con ông tuy giàu nhưng nhiều người lại làm nghề thầy thuốc cứu người, cứu đời.

Riêng về khu mộ ông Lân, theo quan sát của chúng tôi, đó là một quần thể kiến trúc được xây dựng khá độc đáo, nằm trên một quả đồi cao, hướng nhìn ra phía sông Sài Gòn xa xa, một địa thế phong thủy không thể tốt hơn.

< Sau khu mộ là khu nhà thờ với hai cây đại cổ thụ ở hai bên.

Mặc dù đã trải qua hơn một trăm năm hoang phế nhưng vẫn dễ dàng để thấy rằng, lối kiến trúc của khu mộ này là kiến trúc cung đình, đậm chất của kinh thành Huế xưa. Cụ thể, mặt trước của ngôi mộ là một bức tường có 3 cổng vào, 2 cổng phụ và một cổng chính.

< Mặt bên của nhà thờ.

Ngay lối trước cổng chính là một chiếc đầu con lân bằng đá xanh rất đẹp, cao chừng 1,2m. Cổng vào xây cao khoảng 4m, có nhiều hình vẽ, hoa văn lẫn họa tiết trang trí tinh xảo, kèm theo những dòng chữ tô màu đỏ.

Tương truyền, nhóm thợ xây dựng khu mộ này là những nghệ nhân ở miền Trung được thuê vào làm trong thời gian hơn 1 năm mới xong. Lúc bấy giờ, đó là khu mộ có kiến trúc hoành tráng và uy nghi bậc nhất của vùng này.

< Gian thờ nằm sau một giếng trời.

Ở giữa khu mộ là nơi an nghỉ của ông Lân và sau này là di hài của các con ông. Khu mộ nằm hơi trũng so với nền chung của cổng vào. Sau khu mộ là một gian nhà rộng. Ở đây có một tấm bia đá lớn ghi gia phả dòng họ Trần ở Thủ Dầu Một và công lao, đóng góp của dòng họ với nhân dân trong vùng.

Riêng ở bên phía phải của khu mộ là một khu mộ khác, tương truyền là nơi an nghỉ của vợ ông Lân và những người con dâu bởi theo quan niệm thời bấy giờ, phụ nữ của dòng họ khi chết chỉ được chôn cất ở bên cạnh.

< Các họa tiết trang trí trên mái nhà thờ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi với người dân sinh sống trong vùng thì mặc dù mang họ Trần nhưng ông Trần Văn Lân lại là người gốc ở vùng Triều Châu (Trung Quốc). Ông đã cùng với ông nội mình lưu lạc vào vùng đất Chợ Lớn trước khi ngược sông Sài Gòn lên định cư ở vùng Thủ Dầu Một này. Trước đời ông Lân, các đời trước của gia đình cũng làm nghề buôn gỗ nhưng phải đến đời ông, dòng họ Trần nơi này mới thực sự nổi tiếng và trở lên giàu có, trở thành dòng tộc danh giá nhất thời bấy giờ.

< Lối đi dẫn từ chân đồi lên khu lăng mộ chỉ còn là những đống đổ nát. Quanh khu lăng mộ chính còn một số ngôi mộ cổ khác nhỏ hơn, nằm rải rác ở nhiều vị trí khác nhau.

Hiện nay, quanh khu mộ ông Lân vẫn còn khá nhiều hậu nhân của ông và cả những người Hoa đồng hương vùng Triều Châu khác. Tuy nhiên, trong nhiều tài liệu lịch sử về đất và người Bình Dương, chúng tôi ít thấy nói về gốc tích của ông Lân mà chỉ nói về ông Trần Công Vàng, người con thứ của ông Lân.

Theo Đoàn Xá (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét