Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Bản đồ đặc sản VN

Trong bản đồ đặc sản Việt Nam có hàng trăm món ăn từ nhiều vùng miền, quý như sâm, quế, phổ biến như chuối, rau..., hoặc gắn liền với những huyền tích, hoặc dân dã nhưng thơm ngon vang danh ba miền đã lâu.

Bước ra từ tên gọi chung chung “đặc sản”, nay khoác thêm những thương hiệu mới, những kỷ lục mới, nhiều cây trái, món ngon như những hạt mầm gặp tình yêu của nắng, mở ra những thị trường lớn ở trong và ngoài nước.

Bánh đậu xanh (Hải Dương)

Ra đời vào thế kỷ XX, được xem là vật phẩm tiến vua nhân dịp vua Bảo Đại ghé thăm thị trấn Hải Dương. Bánh đậu xanh có hương vị thơm ngon, thanh đạm.

Vua thích thú đã ban sắc lệnh được in hình “Rồng vàng” lên bao bì, tượng trưng cho biểu tượng của vua. Tên “Bánh đậu xanh Rồng Vàng” ra đời cũng là để phân biệt bánh đậu xanh Hải Dương với bánh đậu xanh ở các nơi khác.

Hải Dương hiện có trên 50 thương hiệu bánh đậu xanh, như: Minh Ngọc, Nguyên Hương..., sản phẩm cũng nằm trong số 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt kỷ lục châu Á.

Quế Trà Bồng (Quảng Ngãi)

Được thiên nhiên ưu đãi, quế Trà Bồng không những có năng suất cao mà chất lượng cũng hơn hẳn quế ở vùng đất khác. Quế có thể dùng làm nguyên liệu trong món ăn, làm đồ mỹ nghệ để trưng bày với mùi thơm dễ chịu. Đây cũng là 1 trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt kỷ lục châu Á.

Quế Trà Bồng có giá 15.000 đồng/kg tươi và 30.000 đồng/kg khô. Từ năm 2014 đến nay, giá mua quế tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Diện tích trồng quế Trà Bồng tại Quãng Ngãi ước khoảng 3.500ha. Vào tháng cao điểm, có khoảng hơn 300 tấn được xuất mỗi tháng cho các thương lái ở Hà Nội, TP.HCM.

Chuối Laba (Lâm Đồng)

Chuối Laba còn gọi là chuối Dạ hương, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận là đặc sản của Đà Lạt - Lâm Đồng. Hiện nay, du khách Pháp, Nga, Hà Lan... khi tới Đà Lạt chỉ thích ăn và mua chuối Laba làm quà.

Sản phẩm được phân phối rộng rãi trên thị trường cả nước và xuất khẩu, là một trong rất ít mặt hàng nông sản đã chinh phục được khá nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Nhu cầu của thị trường rất lớn, khoảng hàng trăm tấn/tuần từ Nhật Bản, Singapore, Úc, châu Âu, Trung Đông..., dù có giá cao gấp 3 lần các loại chuối khác, dao động từ 6.000 - 8.000 đ/kg.

Bưởi Tân Triều (Biên Hòa)

Là một trong hai thương hiệu bưởi nổi tiếng của vùng Nam bộ, một thời nức tiếng ở miền Nam. Làng bưởi Tân Triều nằm gọn trên một cù lao, ở đoạn sông Đồng Nai chảy qua rẻo cuối huyện Vĩnh Cửu để vào TP. Biên Hòa.

Nơi đây trồng nhiều giống bưởi như: bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng, bưởi thanh, bưởi ổi, bưởi xiêm..., nhưng để đưa trái bưởi góp phần làm phong phú bản đồ đặc sản Việt Nam phải kể thời điểm cuối năm 2003, khi doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều ra đời với mục đích đưa bưởi vào siêu thị và xuất khẩu. Dulichgo

Tính đến nay, diện tích trồng bưởi Tân Triều tại Đồng Nai đã lên đến 1.000ha, năng suất cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn/năm.

Sâm Ngọc Linh (Kon Tum)

Nằm trong danh sách 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt kỷ lục châu Á. Có giá bán từ vài chục triệu đến gần 100 triệu đồng/kg. Ở tỉnh Kon Tum hiện có 2 cơ sở trồng sâm là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (khoảng 150ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô (8ha).

UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh. Mục tiêu đến năm 2020 đạt 1.000ha, với sản lượng kỳ vọng là 190 tấn, tạo thương hiệu quốc gia về sâm Ngọc Linh.

Mật sim rừng (Phú Quốc)

Được chế biến từ những quả sim rừng mọc hoang dại ở đảo ngọc Phú Quốc, đặc sản từ sim bỗng chốc gắn liền với sự phát triển chung của dịch vụ du lịch tại đảo. Đến nay, mỗi năm có khoảng trên 30 tấn sim được tiêu thụ.

Với thành phẩm gần 15.000 lít gồm nước cốt, xirô sim, sim lên men, vang sim..., các thương hiệu như: Bảy Gáo, Sim Sơn... đã đi khắp các vùng miền và sang tận Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Nhật... Gần đây, đặc sản từ quả sim đã trở thành món quà không thể thiếu với mỗi du khách khi đến Phú Quốc. Không những thế trái sim Phú Quốc còn hấp dẫn, lôi cuốn cả các công ty, các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ, Canada...

Măng cụt Lái Thiêu (Bình Dương)

Nằm trong Top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam. Tháng 6/2014, Bình Dương cũng vừa tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu. Dulichgo

Chỉ những loại măng cụt đạt yêu cầu chất lượng, được trồng và thu hoạch tại thị xã Thuận An mới được phép sử dụng nhãn này để dán lên sản phẩm, nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác măng cụt Lái Thiêu. Lái Thiêu có diện tích vườn măng cụt trên 660ha, giá bán dao động 30.000 - 120.000 đồng/kg.

Bánh phồng sữa dừa (Bến Tre)

Lọt vào danh sách 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt kỷ lục châu Á. Nổi tiếng nhất là bánh phồng sữa dừa Sơn Đốc (Hưng Nhượng, Giồng Trôm, Bến Tre).

Năm 2001, HTX Bánh phồng Sơn Đốc được hình thành, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Tại đây có 34 cơ sở sản xuất. Trong đó, 21 cơ sở sản xuất quanh năm, còn lại chỉ sản xuất vào mùa cao điểm. Tổng sản lượng cao nhất có thể lên đến 17.000 bánh/ngày.

Nấm Linh Chi (TP.HCM)

Còn có những tên khác như tiên thảo, nấm trường thọ, vạn niên nhung, là dược liệu được xếp vào loại siêu thượng phẩm, hơn cả nhân sâm... Tại TP.HCM, có hơn 100 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nấm linh chi, chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.

Trong đó có một số đơn vị trồng khá thành công nhiều loại nấm linh chi khác như: linh chi Vina, trại nấm Phú Bình..., với doanh thu 400 - 850 triệu đồng/ha.

Bánh pía (Sóc Trăng)

Du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVII, bánh pía nổi nhất hiện nay là Làng nghề bánh pía Vũng Thơm ở xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Toàn tỉnh có khoảng 40 lò sản xuất quanh năm, có mức tiêu thụ khoảng 600 tấn/năm, gồm thị trường nội địa và xuất khẩu như: Mỹ, Úc, Hồng Kông, Canada, Thụy Điển, Campuchia.

Cà phê chồn (Đăk Lăk)

Được coi là đặc sản quý giá của vùng cao nguyên Đắk Lắk, cà phê chồn được xếp vào loại hiếm và đắt nhất thế giới. Tại Việt Nam, giá bán cao nhất khoảng 3.000 USD/kg đối với cà phê rang xay. Những trang trại đi đầu trong việc khôi phục cà phê chồn ở Đăk Lăk gồm: trại động vật hoang dã Kiên Cường, trại chồn Quốc Khánh.

Cà phê chồn Buôn Ma Thuột dưới thương hiệu Kiên Cường có sản lượng 400 - 600 kg/năm. Trại chồn Quốc Khánh ra đời năm 2006 nhưng cũng nhanh chóng trở thành nơi sản xuất lượng cà phê chồn lớn nhất ở Đăk Lăk, bình quân trên 700kg/năm.

Tiếp nữa là Trung Nguyên nhưng với sản lượng khiêm tốn hơn, từ mức 40 - 50kg/năm. Trong khi, sản lượng cà phê chồn chính hiệu trên thế giới chỉ vào khoảng 200 - 300 kg/năm.

Theo Duy Khuê (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét