Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Các đền chùa đông người lễ cuối năm

(VNE) - Những ngày tháng Chạp, một số nơi như đền Chúa Thác Bờ, đền Trình Chùa Hương, chùa Thiên Mụ... tấp nập dòng người đổ về đi lễ cuối năm.

Theo quan niệm của người Việt, đầu năm cầu an giải hạn ở chùa, đền phủ nào thì cuối năm dù bận đến mấy cũng cố thu xếp thời gian để tới lễ tạ và lại đăng ký danh sách cầu an giải hạn cho năm tới. Việc làm duy tâm này giúp cho mọi người cảm thấy yên tâm hơn trước thềm năm mới. Ngoài việc đi chùa lễ tạ, nhiều gia đình cũng kết hợp với du lịch tâm linh dịp cuối năm.

Đền Chúa Thác Bờ, Hòa Bình

Đền nằm trong khu vực Thác Bờ giữa dòng sông Đà thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, đền thờ Chúa Thác Bờ bao gồm có đền Trình (đền Chúa) và đền Chầu (đền ông Chẩu). Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng nổi tiếng linh thiêng. Dulichgo

Nơi đây có địa thế phong thủy hài hòa và hùng vĩ, sau lưng là núi, trước mặt là sông nước hữu tĩnh, thuyền bè qua lại. Trước đây, đền thờ cũ chìm dưới hàng chục mét nước của thuỷ điện Hoà Bình, đền thờ ngày nay được lập bên trên nền của đền thờ cũ, lúc nào cũng tấp nập khách thập phương đến hành lễ.

Lễ hội Đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ, khiến tàu thuyền đậu kín các bến cảng. Người hành hương vừa đi lễ vừa được thưởng lãm cảnh tượng vô vàn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước.

Đường đi: Cách Hà Nội 110 km và 15 phút đi thuyền. Bạn có thể kết hợp du thuyền trong lòng hồ sông Đà và mãn nhãn với tiên cảnh trong lòng động Thác Bờ. Đừng quên thưởng thức món cá nướng sông Đà vô cùng hấp dẫn phía chân đền.

Đền Trình Chùa Hương, Hà Nội

Đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, là ngôi đền nhỏ nằm ngay bên phải của dòng Suối Yến, cách bến đò khoảng 500 m, thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đền Trình được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc - dãy núi gồm 5 ngọn núi liền kề nhau tạo thành một vệt hình dáng giống một con rồng nằm phục gác cổng trời Nam. Qua nhiều đời truyền lại, xa xưa đây chỉ là một ngôi đền nhỏ, thờ vị thần tướng đã có công đánh giặc Ân phù vua Hùng Huy Vương nhưng vô cùng linh thiêng. Hằng năm có rất nhiều du khách đến tham quan, cầu tự.

< Nếu mệt bạn nên chọn cách đi Cáp Treo. Có thể đi cáp chiều lên và chiều xuống đi bộ, nếu có sức khỏe thì nên đi bộ lên, vừa đi vừa ngắm cảnh hai bên đường khá đẹp.

Đường đi: Từ Hà Nội, bạn có thể đi từ đường Nguyễn Trãi theo hướng đi Hà Đông, đến ngã Ba La bạn rẽ trái hướng đi Vân Đình, đến Tế Tiêu hỏi đường đi Chùa Hương. Hoặc đi theo hướng quốc lộ 1A qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (dành cho ô tô) hoặc theo hướng đi Thanh Trì (dành cho xe máy).

Đi Chùa Hương bạn hoàn toàn có thể đi trong ngày, vào mùa lễ hội Chùa Hương, do dân tình ở xa đến nên hay nghỉ trọ lại một đêm rồi sáng hôm sau mới đi lễ. Khi đến Chùa Hương bạn sẽ phải ngồi đò khoảng một tiếng vào và một tiếng trở ra.
Giá vé tham quan Chùa Hương + bảo hiểm là 50.000 đồng một người. Giá thuyền đò khứ hồi là 35.000 đồng một người.

Chùa Thiên Mụ, Huế

Chùa là một trong những kiến trúc tôn giáo cổ nhất và đẹp nhất ở Huế. Nơi đây là danh thắng không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Huế. Được xây dựng từ những năm 1.600 và được bảo tồn qua nhiều lần, chùa Thiên Mụ thu hút nhiều du khách bởi vẻ nguy nga tráng lệ nhưng cũng không kém phần thanh tịnh, nên thơ.

Đường đi: Có nhiều phương tiện thuận lợi để di chuyển đến Huế. Đường bay từ Hà Nội, TP HCM thuận lợi để đến đây, bạn nên săn vé máy bay giá rẻ dịp cuối năm để mua với giá tốt.

< Để đến Chùa Thiên Mụ, bạn có thể đi đò dọc theo sông Hương, vô cùng lãng mạn.

Nếu nhiều thời gian và muốn trải nghiệm cảnh đẹp trên đường đi, bạn có thể lựa chọn tàu hỏa để đi. Dễ hơn là bắt xe khách, tuy nhiên bạn sẽ tốn khoảng 1 ngày để di chuyển.

Phương tiện di chuyển trong nội thành Huế: Bạn có thể thuê xe máy để kết hợp đi chùa và tham quan các điểm du lịch Huế. Giá thuê từ 100 - 200 nghìn một ngày. Dulichgo

Ăn uống: Bạn nên thử các loại đặc sản ngon nổi tiếng ở Huế, với giá phải chăng như cơm hến, bún bò, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh khoái…

Chùa Bà, Tây Ninh

Tọa lạc trên núi Bà Đen, thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, tỉnh Tây Ninh, chùa Bà còn được biết đến với tên gọi chùa Phật, chùa Thượng... Đây là một công trình lớn, thu hút rất nhiều khách thập phương về thăm viếng, thắp nhang khấn Phật mỗi dịp gần Tết. Vào những ngày đó, từ ngay dưới chân núi, đoàn người đã lũ lượt, chen chúc nhau để lên chùa.

Đường đi: Từ Sài Gòn, bạn sẽ ra bến An Sương và mua vé xe về Tây Ninh, tốt nhất là xe Đồng Phước. Giá vé khoảng 80.000 đến 90.000 đồng dao động tùy dịp. Xe sẽ di chuyển trong khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ là tới nơi.

Ăn uống: Từ chân núi lên đến chùa Bà có bán rất nhiều đồ ăn, thức uống và đặc sản của Tây Ninh.

Chùa Ông, Sài Gòn

Chùa Ông, hay còn được gọi là miếu Quan Đế, Nghĩa An Hội Quán là ngôi chùa rất nổi tiếng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5). Nơi đây có đông đúc người Hoa sinh sống nhưng chính người Việt cũng hết mực thờ phụng ngôi chùa này. Nhiều người đến đây khấn vái đều truyền miệng nhau về sự linh thiêng của chùa, tiếng lành cứ thế đồn xa. Trước cổng chùa có vài người bán nhang, đèn vàng mã nhưng rất trật tự, yên tĩnh.

Đường đi: Nằm trong nội thành Sài Gòn nên chỉ cần di chuyển bằng xe máy hoặc xe ô tô sẽ đến nơi. Chùa nằm tại số 676 đường Nguyễn Trãi, quận 5.

Theo Lê Thương - Tường Ý (Dulich.Vnexpress)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét