Chùa Bình Lâm thuộc địa phận thôn Mường Nam, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Chùa còn có tên gọi chữ Hán là “Bình Lâm Tự”.
Chùa Bình Lâm xưa kia vốn ở phía chân núi đối diện chùa hiện tại, nhưng ngày nay nơi đây giờ chỉ còn lại nền chùa.
Năm 2005, di tích kiến trúc nghệ thuật chuông chùa Bình Lâm đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia. Ngày 22/11/2007, chùa Bình Lâm mới được khánh thành có tổng diện tích 140m2. Dù xưa hay nay nhưng địa thế của ngôi chùa vẫn rất đẹp, phía sau lưng dựa vào núi, mặt quay về hướng đông.
Tại đây còn lưu giữ một quả chuông cổ do người đứng đầu địa phương cùng với vợ và các lão ông, lão bà, thiện nam, tín nữ góp tiền, của đúc vào ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295) thời Trần, đời vua Trần Anh Tông. Dulichgo
Chuông là một khối trụ khuôn vòm liền khối bằng đồng có đường kính miệng 59cm, chiều cao 101cm (quai chuông cao 17cm, thân cao 84cm) nặng 193kg. Quai Chuông đúc nổi đôi rồng đấu lưng vào nhau, mỗi rồng có 2 chân, mỗi chân có 4 móng sắc nhọn quắp chặt xuống nóc chuông. Thân rồng mập mạp, chắc khỏe, uốn cong tạo thành núm treo chuông, đỉnh quai chuông trang trí hình búp sen vẩy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng.
Thân chuông trang trí 6 núm gõ được bố trí thành 2 tầng, tầng thứ nhất ở dưới đế chuông có 2 núm đối xứng cách đều nhau 78cm. Tầng thứ 2 có 4 núm tạo thành 2 cặp đối xứng qua trục trung tâm của thân chuông, các núm này cách đều nhau 39cm. Các núm chuông tròn nổi đều bằng nhau, có đường kính 6cm. Đường viền xung quanh mỗi núm có 13 cánh sen đều đặn. Thân chuông được chia làm 2 phần: 4 ô chữ nhật đứng ở phía trên và 4 ô chữ nhật nằm ở phía dưới. Giữa các ô chữ nhật đứng là 5 đường gờ nổi chạy song song với nhau từ trên xuống dưới.
Vuông góc với 5 đường gờ nổi chạy dọc thân chuông này, ở trên nóc, giữa thân và đế chuông là các đường gờ nổi cũng chạy song song với nhau phối hợp với các gờ nổi dọc tạo thành những ô chữ nhật trên thân chuông. Các ô chữ nhật này được bao quanh bởi những gờ đúc nổi rất thanh thoát và chắc khỏe. Dulichgo
Trong lòng 4 ô chữ nhật đứng phía trên có khắc bài minh gồm 309 chữ Hán; 4 ô dưới hình chữ nhật nằm ở phía dưới để trơn, không có hoa văn hay ký tự nào. Vành miệng chuông loe ra, được trang trí bằng 45 cánh sen to xen lẫn 45 cánh sen nhỏ có kích thước bằng nhau tạo cho đế chuông vừa vững chắc, vừa mềm mại nhưng vẫn mang nặng ý nghĩa Phật học thông qua hình tượng hoa sen.
Bài minh trên chuông có nội dung như sau: "... chùa Bình Lâm tự thời Trần thuộc châu Bà Đồng Thượng ở giáp giới phía Bắc trường Phú Linh, nước Đại Việt. Nay kẻ nối sau là thủ lĩnh Nguyễn Anh và vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng thái ông lão bà, thiện nam tín nữ phát tâm đúc quả chuông lớn và giờ Ngọ ngày rằm tháng 3 năm Ất Mùi (1295) ở mái hiên Tiểu Thượng Niên, viện Đại Bi trong thành để lưu truyền mãi mãi ở chùa Bình Lâm...".
Bài minh trên chuông là một văn bản gốc thời Trần với vị thủ lĩnh Nguyễn Anh - người thay mặt triều đình cai quản một địa phương cho ta thấy Vương triều Trần đã sử dụng Phật giáo làm công cụ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trước những yêu cầu bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm.
Chuông chùa Bình Lâm là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn. Quả chuông thời Trần này là một trong những quả chuông có niên đại sớm nhất được biết ở Việt Nam. Năm 2005, Chuông chùa Bình Lâm được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Du lịch, GO! tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét