Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Mâm cỗ Tết của người Bình Định

Nó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự với đủ màu sắc và hương vị của những thức ăn quê cảnh được làm từ chính đôi bàn tay của những phụ nữ đảm đang trong gia đình.
Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng vốn rất trọng ông bà tổ tiên, mỗi dịp cúng giỗ, lễ, Tết thường sắm sửa những mâm cỗ cúng thịnh soạn, đẹp mắt để thể hiện lòng thành kính của mình với người đã khuất và chiêu đãi bạn bè, hàng xóm. Ở Gia Lai, có nhiều người dân từ Bình Định lên sinh sống lập nghiệp, quê nắng vàng cát trắng song nơi an cư lại là vùng đất bazan hai mùa mưa nắng, tuy sống ở đâu họ vẫn mang theo nét văn hóa cúng giỗ cùng ẩm thực rất độc đáo của quê hương. 

Tết đến xuân về là dịp con cháu nhắc nhớ đến tổ tiên, từ những ngày đầu tháng Chạp âm lịch, dù bận rộn công việc đến mấy thì mọi người trong gia đình đều tạm gác lại, đàn ông đảm nhiệm việc đến nghĩa trang dọn dẹp, tu sửa mộ phần của ông bà tổ tiên trong gia đình, dòng họ mình và thỉnh mời người đã khuất về nhà ăn tết cùng con cháu họ tộc. Những phụ nữ cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cúng.

Tôi quê gốc Bình Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Pleiku, tôi yêu thích việc nấu nướng từ nhỏ thế nên hàng năm cứ vào dịp lễ, tết đều theo mẹ và các chị em trong dòng họ chuẩn bị cỗ cúng. Theo truyền thống của dân quê tôi thì trong mâm cỗ ngày tết của gia đình lúc nào cũng có những món như: thịt kho tàu, giò heo hầm măng khô, bánh tét, bánh chưng, mắm kiệu, chả lụa, chả ram, bún xào, đậu cô ve xào, canh bún tàu, cơm trắng, lòng heo luộc, gà luộc, bánh tráng nướng… Ngoài những món ăn mặn còn có những món ngọt như: bánh in, bánh thuẫn, mứt dừa, mứt gừng, kẹo thèo lèo, xôi đậu đen… Bởi người quê tôi quan niệm “sống sao thác vậy”, “ trần sao âm vậy”.

Thời nay, cuộc sống hiện đại đủ đầy các mặt hàng thực phẩm, cái gì cũng có thể ra chợ mua được, tuy nhiên nhiều gia đình trong đó có gia đình tôi vẫn giữ được nét văn hóa cúng giỗ và ẩm thực truyền thống như là tự nấu những món ăn cổ truyền cũng như tự làm các loại bánh trái ngày tết như bánh tét, bánh chưng, làm mắm kiệu, làm mứt gừng, mứt dừa, bánh in, bánh thuẫn…

Cách làm ấy cũng là dịp để thế hệ trẻ chúng tôi biết thêm nét đẹp độc đáo trong văn hóa ẩm thực của quê hương Bình Định, là cơ hội để những người thuộc thế hệ 8X, 9X chúng tôi học hỏi kinh nghiệm, lễ nghi truyền thống mà ông bà, cha mẹ đã giữ gìn và truyền lại, đây còn là dịp để con cháu tụ họp, quây quần bên nhau mỗi khi tết đến xuân về. Dulichgo

Thú vị nhất, chính là lúc mâm cỗ đã được sắp xong và dâng lên tổ tiên. Nó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự với đủ màu sắc và hương vị của những thức ăn quê cảnh được làm từ chính đôi bàn tay của những phụ nữ đảm đang trong gia đình. Trong không gian hương khói thơm ngát, ấm cúng, cả gia đình chắp tay thành tâm khấn nguyện tổ tiên phù hộ độ trì toàn gia và dòng họ một năm an khang thịnh vượng, dữ ít lành nhiều. Vẻ đẹp của mâm cỗ tết luôn được tôi ghi nhớ, nó chính là vẻ đẹp sắc màu dân tộc đặc trưng của người miền Trung giản dị, thật thà và nồng hậu.

Vui nhất là sau khi thực hiện nghi thức cúng tổ tiên, cả gia đình quây quần thưởng thức mâm cỗ thịnh soạn, từ người lớn tuổi cho tới đứa trẻ nhỏ đều được ngồi dự cỗ, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, thanh âm cuộc sống vang lên trong những căn nhà ngày cuối năm, ai cũng có thể lắng nghe một cách đầy đủ cung bậc cảm xúc của người thân yêu. Sau những cười đùa giòn tan, những chúc mừng thành đạt, những dạy bảo ân cần của người trên, người trẻ chúng tôi nhận ra gia đình và nét văn hóa sum họp truyền thống cùng mâm cơm tết có ý nghĩa vô cùng, nó là bài học thực hành có giá trị hơn bất kỳ loại sách vở nào.

Dẫu không khí ăn tết trong thời hiện đại có nhiều thay đổi về cách thức và hương vị nhưng những món ăn truyền thống và nghi lễ cúng bái cổ truyền vào mỗi dịp lễ, tết của người quê Bình Định vẫn luôn được coi trọng, giữ gìn, phát huy. Tất cả để nhắc nhở thế hệ tiếp nối biết sống trung hiếu, tự lập, cần kiệm, nhẫn nại, coi trọng đạo đức, nhân ái trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Theo Infonet
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét