Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Núi Cốc: vùng đất của huyền thoại

(ATC) - “Ngọn núi Cốc bây giờ là hiện thân của chàng trai năm xưa, còn người yêu chàng đã hóa thân thành dòng sông Công êm dịu”.

Chỉ đơn giản là Hồ trên núi

Bất chợt một lúc nào đó bạn muốn đi, muốn chân mình không nằm trong gầm bàn làm việc nữa, khi bạn đã qua từng con đường của nhân gian hay gần hơn là những con đường tuyệt đẹp của đất nước mình, khi bạn không đủ thời gian để lên Tây Bắc, khi bạn muốn một nơi có thể vui chơi cả gia đình,... Nơi mà bạn muốn phải có núi, có non, có những con đường, có mặt nước mênh mông, có những trò chơi cho con trẻ,… thì Hồ Núi Cốc là một trong những sự lựa chọn đó.

Chúng tôi, những kẻ lữ khách đã bước chân qua những nẻo đường đất nước. Qua miền Đông Bắc giá lạnh khi đông về, qua Tây Bắc mỗi mùa hoa ban, hoa mận nở trắng cả triền đồi. Qua miền Trung yêu thương đầy nắng gió, qua miền Nam bát ngát bao la sông nước. Đi quanh đất nước mình để rồi hôm nay, lại lên với xứ chè này, lên với bài ca huyền thoại Hồ trên núi. Để đắm mình trong sắc màu của những câu chuyện kể, tôi kể bạn nghe…

Rời Hà Nội khi trời vừa tảng sáng, đi ngược dòng người đang hối hả đưa rau củ quả từ ngoại thành vào chợ sớm, chúng tôi nhằm hướng Sóc Sơn thẳng tiến, rồi rẽ theo quốc lộ 3 để lên Thái Nguyên. Con đường giờ đã được làm lại khá bằng phẳng và dễ đi. Từ trung tâm thành phố rẽ theo lối đi Đại Từ, theo con đường tỉnh lộ Đán – Tân Cương – Núi Cốc, con đường uốn mình qua những sườn đồi, qua nương chè Tân Cương nổi tiếng.

Khi bạn thấy cả những cánh rừng bạt ngàn trước mắt, thấy mùi thơm của búp chè non mà cô công nhân vừa mới hái, thấy không khí yên bình của miền sơn cước quanh quẩn dưới vệt bánh xe thì đó cũng là lúc chúng tôi bắt đầu vào Hồ Núi Cốc. Dulichgo

Hồ được tạo ra khi ngăn đập trên dòng sông Công. Toàn bộ hồ có diện tích mặt nước khá lớn (khoảng 25km2), cảnh quan sinh thái đa dạng với hơn 89 hòn đảo lớn nhỏ. Nơi đây được ví như Hạ Long của Thái Nguyên.

Nhanh chóng thuê một chiếc thuyền nhỏ, cùng cô hướng dẫn viên xinh xắn, chúng tôi bắt đầu hành trình sông nước. Con thuyền tròng trành cùng với nhịp bài hát Hồ trên núi làm cho mọi người chuếnh choáng men say. Say cảnh vật nơi đây, từng ngọn núi in bóng xuống dòng nước lặng như tờ, từng đàn cò chao liệng, may mắn còn có thể thấy cả những chú khỉ đang chuyền cành nữa.

Dường như khi mọi người đã ngấm cảnh sắc thì cô hướng dẫn mới cất lên cái giọng trong trẻo của miền núi tĩnh lặng này, câu chuyện kể về chuyện tình của chàng Cốc nàng Công, câu chuyện về hồ, về sông, về núi. Từng lời nói như càng thêm ru ngủ chúng tôi, để rồi chợt bừng tỉnh thật sự khi nghe chính cô hát lên bài hát mang tên: Huyền thoại hồ Núi Cốc. Đó cũng là lúc ánh hoàng hôn dần xuống sau núi, từng vệt vàng óng ánh trên mặt hồ thay cho màu xanh như ngọc suốt cả ngày.

Tôi dám cá với bạn rằng, trong cái khoảnh khắc tròng trành trên thuyền giữa dòng sông vàng đó thì mọi ồn ào phố thị đã tan biến từ lúc nào hết rồi.

Huyền thoại hồ Núi Cốc

Đâu chỉ có những giây phút lênh đênh sóng nước trên mặt hồ. Hay đặt chân lên đảo khỉ, đảo cò, hoặc giây phút bất ngờ khi gặp cổng tam quan bề thế trên ngọn Núi Cái. Dulichgo

Bước qua 108 bậc để lên ngôi nhà cổ hơn 200 năm với hàng ngàn hiện vật được trưng bày là các sản phẩm của các làng nghề truyền thống khắp mọi miền đất nước. Rồi vòng xuống thân đập, nơi ngăn dòng sông Công khi xưa. Và cũng đâu chỉ có những giây phút trekking khám phá hơn 80 hòn đảo còn lại…

Hồ Núi Cốc đâu chỉ có thế. Đến đây mà chưa được nghe những huyền thoại tình yêu thì coi như chưa đến. Một trong những câu chuyện đã làm nên cái tên của hồ là câu chuyện về tình yêu đôi lứa của chàng Cốc và nàng Công.

Chuyện kể rằng…

Ngày xưa có một chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi, chàng có tên là Cốc. Bởi vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ. Mỗi lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo. Một năm mất mùa, chàng Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công, sông Gâm làm thuê. Quan lang này có một cô con gái xinh đẹp và hát hay, múa giỏi nức tiếng khắp vùng, đó là nàng Công. Nhiều người đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng một ai. Duyên trời định đoạt, tiếng sáo chàng Cốc đã khiến trái tim người con gái rung động.

Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận. Ông bắt chàng Cốc làm những việc khó khăn, nguy hiểm cốt để hại chàng. Với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại thú rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu. Song điều đó không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy đuổi chàng Cốc. Phần chàng Cốc, chàng về quê chờ ngày gặp lại người yêu. Chàng chờ mãi, chờ đến khi cả tấm thân hóa thành quả núi mà nàng Công vẫn chưa đến. Thương nhớ chàng Cốc, nàng Công khóc ròng rã, rồi thân thể nàng cũng tan ra thành nước.

Ngọn núi Cốc bây giờ là hiện thân của chàng trai năm xưa, còn người yêu chàng đã hóa thân thành dòng sông Công êm dịu. Người ta bảo, mỗi lần lũ lên là mỗi lần nàng Công cố vươn mình để được gần chàng Cốc hơn.

Câu chuyện về đôi trai gái hóa sông hóa núi đâu phải là câu chuyện duy nhất trên vùng đất này, bạn sẽ được nghe nhiều câu chuyện tình nữa như chuyện tình Ba cây Thông…

Xưa có hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, cả hai chàng cùng tài giỏi và vô cùng hiếu thuận. Một ngày nọ, người anh xuống núi, chàng gặp cô gái xinh đẹp nhất vùng và tình yêu bắt đầu nảy nở trong mỗi người. Ngày hôm sau, khi cô gái đang mong chờ chàng trai hôm qua tới thì cũng là lúc người em xuống núi và cũng gặp nàng. Người em cũng say đắm trước dung nhan của cô gái kia. Còn cô gái, cô đâu ngờ người đang đứng trước mặt mình là một người khác.

Tới một ngày, người anh hẹn cô gái về ngày đính ước, cô gái thẹn thùng ưng thuận. Ngày hôm sau, cũng như anh mình, người em xuống núi xin lời đính ước. Xúc động nghĩ rằng chàng trai đang nhắc lại lời hẹn, cô gái khẽ gật đầu. Dulichgo

Ngày hẹn ước cùng tới, dưới ánh trăng vằng vặc, ba người ngỡ ngàng nhìn nhau. Cô gái òa khóc trước sự sững sờ của hai anh em. Động lòng thương cảm, Ngọc Hoàng ban phép cho họ được mãi mãi bên nhau. Ngày hôm sau, tại nơi ba người đứng đêm qua, người ta bỗng thấy có ba cây thông cao lớn, xanh tốt đứng sừng sững giữa trời.

Để khi nghe xong hai câu chuyện trong hàng chục câu chuyện nơi đây. Chúng tôi chỉ ngồi im nhìn xuống mặt hồ phẳng lặng. Dường như tâm của mỗi người đều đã tĩnh lại được phần nào. Để rồi mai đây, lại trở về với những ồn ào phố thị, trở về với guồng quay công việc mệt nhọc mà còn vang mãi bên tai những câu chuyện tình đã trở thành huyền thoại – huyền thoại nơi núi sông chan hòa có cái tên của chàng trai dũng cảm si tình – Núi Cốc…

Lộ trình:

Ngày 1: Hà Nội – Thái Nguyên – Hồ Núi Cốc
Ngày 2: Hồ Núi Cốc – Thái Nguyên – Hà Nội
Nếu như bạn còn muốn lang thang, có thể tìm về chiến khu ATK xưa, tại huyện Định Hóa – Thái nguyên để thăm lại an toàn khu kháng chiến.

Điểm tham quan chính tại Hồ Núi Cốc:

+ Du thuyền trên hồ.
+ Thăm các hòn đảo như đảo khỉ, đảo dừa, đảo chim, đảo cò…
+ Tham quan ngôi nhà cổ và các hiện vật làng nghề truyền thống.
+ Vào ngôi chùa Thác Vàng nằm trong tượng phật Thích Ca Mâu Ni rỗng cao đến 45m.
+ Ngồi trên thuyền phao nhỏ, trôi theo dòng nước tượng trưng cho nước mắt nàng Công để xem và nghe câu chuyện Cốc – Công trong cung Huyền Thoại.
+ Động ba cây thông, động thế giới cổ tích, công viên nước.
+ Các tiết mục biểu diễn nhạc nước ngoài trời.

Theo Ovuong (Autocar VN)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét