Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Bí ẩn ngôi chùa cổ ở Tây Bắc

(PTT) - Ngôi chùa đó ngự ở giữa chốn rừng hoang, núi thẳm. Trải qua bao biến động của lịch sử cùng sự tàn phá của thiên nhiên, chùa Chiền Viện, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vẫn là chốn linh thiêng và hàm chứa bao câu chuyện tưởng như chỉ có trong truyền thuyết.

< Chùa Chiền Viện đã bị đổ nát.

Những người phá hàng cây cổ thụ quanh chùa đều gặp những chuyện chẳng lành, có người chết bất đắc kỳ tử. Ngôi chùa cổ này còn có trên 60 bức tượng được làm bằng đồng đen quý giá.

Lễ tắm tượng

Chiền Viện được coi là ngôi chùa cổ kính nhất đất Tây Bắc. Giữa cái không gian mênh mông tưởng như bất tận của đất Sơn La, chùa Chiền Viện được coi là biểu tượng của sự thịnh trị của xứ Thái xảo xia. Phật giáo đã thấm đẫm tới từng bà con dân bản nơi đây. Chẳng thế mà những gì thuộc về ngôi chùa đều được bà con bảo vệ và giữ như vật thiêng trong gia đình. Trải qua bao thăng trầm, đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa cổ này cũng không tránh khỏi sự phá hoại của binh lửa điêu tàn.

Nhớ về một thời thịnh vượng và thanh bình đã từng tồn tại ở đất này, cụ Sa Thị Lan, người dân bản Vặt vẫn không giấu nổi niềm hãnh diện, cụ bảo: “Sư sãi trong chùa đều là những bậc nam nhi có võ công thượng thừa. Họ trừ gian, diệt ác, chế quỷ, giúp dân yên tâm sinh sống. Họ cũng là những người sở hữu các bài thuốc, mẹo chữa bệnh hiếm có người nào bì được. Họ đi đến đâu là dân được sống yên ổn ở đó”.

Hình ảnh ngôi chùa thiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con người Thái. Ngày đó đất xung quanh chùa cây cối bạt ngàn. Những thân cây to hàng chục người ôm dựng lên như những bức tường thành vững chãi. “Tôi còn nhớ rõ, mỗi năm các nhà sư dùng ống tre lấy nước trên thượng nguồn. Thứ nước suối từ rừng nguyên sinh, không lẫn tạp chất, nơi mà con người ít khi đặt chân tới để về tắm tượng”, cụ Lan vẫn rưng rưng một niềm xúc động khi nhắc về ngôi chùa thiêng của bản mình.

Giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, hoài niệm về những ngày tháng vui đêm cùng núi rừng dường như vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí của cụ Lan.

Cụ Lan kể: “Nước vác về được đổ vào trong một cái ang to. Thứ nước suối nguồn trong vắt có thể nhìn thấy tận đáy của ang. Ngày đó rừng nghiến, đặc biệt là loài cây gù hương còn nhiều nên khi nước nguồn chảy ra, nước suối nơi đây cũng có mùi thơm thoang thoảng hương rừng. Buổi tắm tượng diễn ra vô cùng linh thiêng. Các nhà sư dựng cái sạp lứa. Phía trên trải vải điều vuông vức. Từng bức tượng được mang ra theo thứ tự từ cao tới thấp.

Có những bức tượng to, 40 trai bản dùng đòn tre đực dài 4m kết lại với nhau thành một cái cáng mới khiêng nổi. Những bức tượng này được làm bằng đồng đen nên rất nặng. Trước lúc khiêng tượng, các nhà sư phải làm lễ xin phép các ngài.

Lễ tắm tượng thường diễn ra vào mùa Thu. Khi đó đất Tây Bắc đã ngớt mưa, khí hậu khô ráo, bầu trời trong xanh và sâu thăm thẳm, giữa sân chùa lễ tắm tượng diễn ra vô cùng uy nghi và linh thiêng. Sư trụ trì cầm gáo tre, khoác áo cà sa màu vàng, tay trái lần tràng hạt, tay phải dùng gáo tre múc nước trong ang được thả đầy hoa rừng ra tắm tượng. Mấy chú tiểu giúp việc đi chân đất, thành kính dùng vải điều thấm khô từng bức tượng rồi mới chuyển vào bệ tượng.

Buổi lễ diễn ra vô cùng uy nghiêm, bà con dân bản phải đứng từ xa để chiêm ngưỡng. Hơn 60 bức tượng được các trai bản mang ra lần lượt. Sư trụ trì chùa làm việc từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời khuất dần sau đỉnh núi Pha Đạnh (núi đá đỏ) mới kết thúc”.

Nghi lễ linh thiêng đó đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con người Thái nơi đây. Bà con rất sùng Phật. Ai cũng một lòng làm việc thiện, họ cùng nhau dựng xây đất Mường Sang thành một xứ sở thanh bình. Đây cũng là lý do giải thích vì sao, tất cả những tài sản quý giá liên quan đến ngôi chùa đều được bà con gìn giữ bảo vệ. Trải qua 7 thế kỷ tồn tại, chùa Chiền Viện vẫn hiện lên uy nghi giữa đất trời Tây Bắc. Thế rồi khi chiến tranh nổ ra, vẻ đẹp trường tồn của một ngôi chùa dần bị hủy hoại. Những vật báu trong chùa tản mát, kéo theo đó là bao chuyện buồn xảy ra ở đất Mường Sang này.

Lấy vật gì thì phải trả lại vật đó

Sau bao năm đất Tây Bắc nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, bà con xứ Thái cũng trải qua trăm đắng, ngàn cay. Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Nhật đảo chính Pháp, loạn lạc, lửa cháy đã lan tới Mường Sang. Bà con người Thái tản mát, ruộng đồng tốt tươi một thuở để cho cỏ mọc. Những ngôi nhà sàn bề thế, rộng rãi uy nghi bỗng trở nên hoang lạnh. Ngôi chùa cổ bị xuống cấp, kẻ gian được dịp lộng hành, chúng nhảy vào chùa lấy tượng mang bán. Những bức tượng tưởng như bất khả xâm phạm bị mất dần, mất mòn. Binh lửa, loạn lạc qua đi, bà con người Thái trở lại quê hương, chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát khiến ai cũng nhói lòng. Ngôi chùa linh thiêng đã bị phá hoại, tường đổ, rêu phong phủ đầy.

Từ đó giá trị đạo đức dần bị xuống cấp, sự tham lam được phen trỗi dậy, lòng người thay đổi. Khu đất thiêng của chùa bắt đầu bị xâm phạm, nhiều người đã trà đạp lên những giá trị đạo đức mà suốt 7 thế kỷ trôi qua đã được các vị sư và bà con dân bản dày công vun đắp. Đồ của chùa bị người dân mang về sử dụng làm của riêng.

Giờ đây người dân nơi đây không được chứng kiến lễ tắm tượng linh thiêng năm nào nữa, nhưng có một chuyện mà nhiều người không thể tin nổi khi các cán bộ vào chùa chuyển tượng về bảo tàng. Ông Hà Trung Lâm - người dân ở bản Vặt vẫn còn nhớ như in về buổi chuyển tượng diễn ra cách đây 20 năm. Ông Lâm kể, vì chùa liên tục bị mất trộm, tượng quý, chuông vàng bị lấy đi. Bà con báo việc này lên huyện. Ngay sau đó, các cán bộ cho ôtô xuống chở tượng đi.

Chiếc ôtô tải đi vào tận sân chùa, họ khiêng tượng nhưng không thể nào nhấc nổi, rồi họ kết hợp cả máy móc nữa, chẳng hiểu sao các bức tượng không suy chuyển, phải hô hào nhiều người xúm lại mới đưa được tượng lên ôtô. Khi xếp được 5 bức tượng lên thùng xe, tự nhiên xe ôtô bị xịt lốp. Phải cho người đi gọi thợ vá lốp, vá xong lốp thì không thể nổ máy. Cánh tài xế có kinh nghiệm chạy đường trường hiểu xe như lòng bàn tay cũng đành bó tay.

Chứng kiến câu chuyện rất thần bí này, các cụ trong bản Vặt mới nhớ lại lễ tắm tượng của các sư trụ trì khi xưa, trước khi muốn rời tượng khỏi chùa phải làm lễ xin các ngài, mới hy vọng chuyển tượng đi được. Buổi lễ diễn ra nhanh chóng, thay vì đưa các ngài lên ôtô chuyển đi, mấy chục thanh niên của bản Vặt phải làm cáng như trước, khiêng các bức tượng đó vượt 4km đưa ra Bảo tàng huyện Mộc Châu. Sau đó những bức tượng này được chuyển lên Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Nói về những bức tượng đồng đen này, hôm rồi đoàn cán bộ của xã Mường Sang lên tỉnh họp. Ông Hà Trung Lâm, Chủ tịch HĐND xã đã mạnh dạn kéo đoàn đến bảo tàng tỉnh đề đạt nguyện vọng được ngắm những bức tượng từng được trưng bày tại chùa Chiền Viện. Đoàn thuyết phục mãi, bảo tàng cũng chỉ đồng ý cho ông Lâm và 3 người khác ở bản Vặt được vào chiêm ngưỡng. Trải qua bao thăng trầm, bao thế hệ đời người ở bản Vặt đã qua đi, vậy mà những bức tượng vô giá của chùa Chiền Viện vẫn uy nghi và vững chãi như dãy núi Pha Đạnh đã tồn tại từ ngàn đời nay.

Chẳng hiểu sao, ông Lâm lại có hành động liều lĩnh là dùng ngón tay gõ vào thân tượng để kiểm tra xem đây có phải là tượng thật hay không. Dù vô tình hay hữu ý, ông Lâm cũng không nghĩ là ngay trong ngày hôm đó ông gặp chuyện chẳng lành. Trên đường trở về bản, ông đã bị tai nạn xe máy. Rất may vụ tai nạn đó chỉ làm ông xây xát phần mềm, tựa như một lời cảnh báo nhẹ nhàng đến với ông. Từ đó mỗi khi lên tỉnh họp, ông Lâm cũng không dám đến xem tượng nữa.

Giờ đây chùa Chiền Viện bị đổ nát, mái nhà bị sập. Bức tường được xây bằng hàng vạn hòn đá mài tưởng như mưa nắng khó bề xâm thực, nay nằm trơ ngan cùng tuế nguyệt. Khi bức tường cuối cùng của chùa bị đổ, người dân nơi đây đã lấy những hòn đá mài này về dùng. Loại đá mài này rất quý, dao, kéo, cuốc… bị cùn chỉ cần liếc đi, liếc lại vài lần là sắc lẹm trở lại. Đá quý là vậy, nhưng những người dám mang đá xây chùa về nhà đều gặp những chuyện chẳng lành.

Không ai bảo ai, họ cứ lần lượt mang đá trả lại chùa. Ông Sa Trọng, Trưởng bản Vặt xác nhận: Đến giờ không ai dám động đến bất kỳ thứ gì ở chùa nữa. Chỉ tiếc rằng, bao đồ chân quý năm xưa của chùa cứ mất dần. Giờ đây, bà con chỉ giữ lại được 7 cái bát cổ, thứ quý giá duy nhất còn sót lại.

Mất mạng vì động vào tấm bia thiêng

Đến giờ người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in tấm bia cổ của chùa khắc trên nền đá xanh, ghi lại lịch sử của chùa và sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm tu bổ chùa. Tấm bia bị vứt chỏng chơ ngoài vườn nên cụ Hà Văn Uộn ở bản Vặt nhà ở gần chùa đã nhặt về làm miếng lót chân cầu thang nhà sàn. Tấm bia vuông vức đặt rất vừa chân. Mùa mưa bước vào không bị trơn, mùa hè bước lên tấm bia đá thì mát lạnh. Ai cũng nghĩ ông Uộn may mắn vì “kiếm” được tấm bia đẹp đẽ đó.

Ít người biết rằng, từ ngày mang tấm bia thiêng của chùa về ông Uộn gặp biết bao nhiêu là chuyện tai ương. Ngay bản thân ông Uộn cũng không lý giải nổi ma xui quỷ khiến thế nào mà ông dám trà đạp lên những giá trị đã được bao đời dày công vun đắp. Đầu tiên là lợn, gà nhà ông Uộn nuôi thường xuyên mắc bệnh và không lớn được. Trong khi đó ở cách chùa khoảng trăm mét, đàn lợn, đàn gà của bà con nuôi lớn nhanh như thổi. Lạ hơn nữa là “nà” (ruộng) của ông Uộn mọi năm lúa tốt bời bời. Từ khi ông mang tấm bia về lót chân cầu thang nhà sàn, lúa chẳng lên được. Cũng trên thửa ruộng đó, cũng cách chăm sóc giống nhau mà lúa của bà con lên tươi tốt.
Dulichgo
Quá sợ trước những sự việc diễn ra cùng một lúc và có hệ thống, ông Uộn mới giật mình khi nhìn lại tấm bia của nhà chùa kê trước nhà. Sau nhiều lần đắn đo, ông Uộn quyết định mang trả lại tấm bia của nhà chùa. Ông Uộn vừa đưa tấm bia lên xe chở trả chùa thì gặp đứa cháu tên là Hà Văn Cấp. Anh Cấp ngỏ ý muốn giữ lại tấm bia đó cho người bạn làm nghề ba toa ở ngoài xã. Sau mấy ngày hẹn hò, người bạn của anh Cấp là Khánh dẫn theo một người nữa tên là Thâu về xóm mua lợn. Đợi mua xong lợn, họ sẽ chuyển cả tấm bia kia ra ngoài.

Chuyện chỉ có vậy, không ngờ tấm bia thiêng đó một lần nữa khiến bà con người Thái nơi đây phải giật mình vì chuyện xảy ra ngay buổi chiều nhập nhoạng hôm đó. Vợ chồng anh Cấp dẫn Khánh và Thâu đi vào xóm bắt lợn, lúc này sương đã giăng khắp lối khiến con người ta dễ nảy sinh tâm trạng mơ hồ. Chị Vui vợ anh Cấp đi trước, Khánh, Thâu và anh Cấp đi sau cùng. Dọc đường chẳng hiểu sao, anh Cấp đổ cho Khánh và Thâu lợi dụng đêm tối “tòm tem” vợ của mình. Cuộc cãi vã diễn ra khi 4 con người đi qua cửa chùa Chiền Viện.

Anh Cấp nhảy xổ lên bóp cổ Khánh. Hai người đàn ông vật lộn, cãi nhau ỏm tỏi. Thâu đi phía sau liên lao can ngăn hai người đàn ông đang ghì nhau dưới tán cây cổ thụ. Can ngăn không được, sợ anh Cấp đánh người bạn của mình, Thâu đã dùng đèn pin khảo vào gáy anh Cấp. Thâu cũng không ngờ cú đập đèn pin định mệnh đó đã cướp đi mạng sống của anh Cấp. Chuyện xảy ra quá nhanh khiến bà con trong bản chạy ra can ngăn cũng không kịp. Anh Cấp mất mạng, trong khi Khánh và Thâu rơi vào vòng lao lý. Chị Vui trở thành góa phụ.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự việc trên do Khánh muốn lấy tấm bia của chùa đi nơi khác. Việc này có đúng như thế hay không đến giờ chưa ai dám khẳng định. Tuy nhiên, từ khi án mạng xảy ra trước chùa thì không ai dám mang tấm bia này ra khỏi chùa nữa. Tấm bia uy nghiêm, được khắc chữ Hán rất rõ nét được bà con làm lễ và đưa lại vào chùa.

Lại nói đến chuyện ông Uộn, sau bao đời sinh sống an lành ở bản Vặt, tự nhiên, ông thấy trong người khó ở, làm ăn không vào. Ông đã bán đất mảnh đất cho anh Hà Văn Ngọc (con ông Hà Văn Khoát) để chuyển đi nơi khác. Chị Vui vợ của ông Cấp cũng không ở trong bản Vặt nữa. Theo cái lệ đã hình thành từ xưa, người Thái rất ít khi di chuyển nhà khỏi nơi chôn rau cắt rốn, phải vì chuyện gì tày đình lắm, họ mới chuyển chỗ ở.

Mong một ngày phục dựng lại ngôi chùa

Đưa chúng tôi đi thăm ngôi chùa cổ, ông Sa Trọng, Trưởng bản Vặt như cảm thấy muôn phần có lỗi vì năm xưa các cụ người Thái nơi đây không tìm cách ngăn chặn sự xâm lấn của những kẻ xấu vào tàn phá chùa. Ngay bản thân người dân địa phương cũng không ngần ngại phá đi những gì thuộc là quý giá nhất của ngôi chùa. Đi đến một gò đất gần chùa, ông Trọng bỗng dừng lại. Chỉ tay vào nấm đất, ông Trọng bảo, đây là ngôi mộ của nhà sư ở nơi khác đến chùa.

Ông này bị hổ vồ và lôi đi mất một phần thân thể. Bà con phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Một phần thi thể của ông đã được bà con chôn cạnh dãy xoài cổ thụ. Năm xưa, xung quanh chùa là những cây cổ thụ to bằng cả gian nhà che chắn. Dãy xoài hơn chục cây tựa như những cột chống trời. Mỗi cây cho cả tấn quả. Bà con trong bản ăn thỏa thê không hết còn mang đi cho bản khác. Vậy mà giờ đây, hàng xoài cổ thụ đó chỉ còn trơ trọi những gốc đen sì. Nó tựa như những dấu chấm than giữa trời.
Dulichgo
Ông Trọng còn kể, phía sau chùa là cây vải cổ thụ. Hơn một trăm hộ dân ăn thỏa thích cũng không hết, giống vải quả to, mọng nước lại có màu đỏ ối. Các bản khác cũng được thơm lây từ cây vải quý này. Thế rồi nhiều người cả gan chặt cả cành vải đi để lấy đất làm nương, làm rẫy. Ông Hà Văn Sọm - hộ dân ở gần chùa đã liều lĩnh chặt cành vải to và bị ngay quả báo. Từ hôm chặt cành vải, ông Sọm liên tục gặp chuyện chẳng lành.

Sau đó ít lâu người con trai của ông bị chết không rõ nguyên nhân. Tuy ngôi chùa đã bị hoang phế nhưng không hiểu sao những hộ dân liều lĩnh xây nhà gần chùa đều ở chẳng yên. Đến giờ ba gia đình đã phải chuyển nhà đi nơi khác ở. Đất xung quanh chùa đang dần được trả lại. Sau bao chuyện xảy ra, nên các hộ dân nơi đây đã chùn tay trước những việc mà nhiều người đã đánh liều làm là xâm phạm đến chùa.

Bao thăng trầm của lịch sử đã trôi qua, ngôi chùa cổ giờ chỉ còn lại cái nền gạch khi xưa. Bà con người Thái ở bản Vặt đã quyên góp tiền dựng tạm cái mái lợp để dựng tượng thờ Phật. Ước mong của bà con là một ngày nào đó, ngôi chùa sẽ được phục dựng lại. “Các tăng ni, Phật tử ở khắp nơi về bản Vặt cầu an cũng sẵn lòng quyên góp xây chùa. Giờ chúng tôi chỉ mong, các cấp chính quyền địa phương cùng phối hợp thực hiện, tôi tin ngôi chùa cổ năm nào sẽ sớm được phục dựng”, ông Sa Trọng, Trưởng bản Vặt cho biết.

Chùa Chiền Viện, còn gọi là chùa Vát Hồng, nay thuộc bản Vặt, xã Mường Sang. Chùa được tạo lập từ thế kỷ XIII, do đồng bào Thái Mộc Châu xây dựng. “Bản Vặt” - theo tiếng Thái chính là âm chệch của “Phật” và tên hội chùa lễ Phật vào tháng 5 âm lịch ở đây là “Chách Vặt, Chách Và”.

Vào thế kỷ XIII, chùa Chiền Viện là một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây Bắc, với số tượng Phật được thờ trong chùa là: 1 pho tượng lớn, 8 pho vừa, 56 pho nhỏ đều bằng đồng, 2 pho bằng thiếc, 1 pho nhỏ bằng ngà.

Nhưng di tích chùa Chiền Viện đó bị đổ nát từ năm 1947, còn đến ngày nay, lại chỉ là một nền chùa khoảng 100m2, mấy trụ cột và mảng tường xây bằng đá với những vòm cửa đã xuống cấp, đổ nát và 2 bệ thờ. Đặc biệt là còn một tấm bia đá (99cm x 64cm x 15cm), một nửa khắc chữ Thái (mà theo giáo sư dân tộc học Hoàng Lương thì đây là chữ "Thái trắng" ở vùng này) và một nửa khắc chữ Hán. Nội dung văn bia, cả hai ngữ đều thống nhất nói về việc xây dựng "vắt ni" (chùa này - tiếng Thái), với những người đóng góp tính bằng "công" và "hào" (tiếng Thái), trong đó có một số chức sắc (tên là "Tạo Tiêng", "Chiêu Tổn" - tiếng Thái).

Phần Hán ngữ của bia (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chiếm) nói rõ: đây vốn là ngôi chùa cổ thờ Phật, đã bị huỷ hoại. Ngày 10 tháng 3 năm Duy Tân thứ XI (Mậu Thân, 1908) khởi công xây dựng lại, và đến ngày lành, tháng giêng năm Kỷ Dậu, 1909 thì hoàn thành. Ông Xa Văn Kỳ, tri châu, cùng nhân dân trong vùng Mộc Châu, hưng công xây dựng. Đóng góp vào việc xây dựng là rất nhiều người địa phương và cả từ phương xa, trong đó có "Đà Bắc tri châu Đinh Công Nội", "Đà Bắc tri châu Xa Văn Nghĩa", "Mai Châu tri châu Hà Công Chính"… Hãy một lần đền với nơi đây, để cảm nhận sự thanh tịnh, thiêng liêng của một di tích cổ xưa.

Theo Linh Nhi (Báo Petrotimes)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét