Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Về miệt Cù lao Dài

Nằm trọn trong lòng sông Cổ Chiên, quanh năm được bồi đắp phù sa màu mỡ, Cù lao Dài xanh mướt với những vườn trái cây đặc sản. Không chỉ hoa trái quanh năm, người dân nơi đây còn ước mong “Biến cù lao thành nơi du lịch/Tô điểm rạng ngời cho trang sử Vũng Liêm”.

< Không ảnh cù lao Dài giữa dòng Cổ Chiên.

Thuộc địa phận huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trước đây mảnh đất này có tên là Cù lao Giày do nhìn từ trên cao trông giống hình một chiếc giày. Người miền Tây Nam bộ thường đọc trại những từ có âm “y” thành “i” nên riết rồi Cù lao Giày trở thành Cù lao Dài. Thanh Bình hay Quới Thiện cũng chính là cách người ta gọi mảnh đất này và đó là tên gọi của hai xã thuộc cù lao.

< Xuống phà Vũng Liêm để sang Cù lao.

Ấn tượng đầu tiên với Cù lao Dài là sự tiếp đón nồng hậu của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Điền, nguyên cán bộ văn hóa - xã hội xã Thanh Bình và ông Dương Văn Săng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã ra tận bến phà Vũng Liêm để đón và hướng dẫn cho đoàn du khách chúng tôi trong suốt hành trình.
Dulichgo
Cơn mưa đầu mùa hạ chợt đến không ngăn nổi những bước chân háo hức khám phá thánh địa… của các loại trái cây đặc sản. Tiếp nối những vườn sầu riêng là vườn bưởi da xanh, măng cụt, mận, xoài…

< Khách hăm hở thăm vườn trái cây.

Ông Ba Thới, chủ vườn sầu riêng có 200 gốc, người nông dân đầu tiên đưa cây sầu riêng về với cù lao này, nói rằng “giờ đã vào cuối mùa, sầu riêng được bẻ bán gần hết rồi”, nhưng chúng tôi vẫn thấy trên cây lúc lỉu trái.

< Vườn sầu riêng đã được dày công chăm sóc, trái chín lúc lỉu...

Dọc lối đi là hàng mít trái mọc từ gốc, chỉ cần giơ tay đã có thể chạm vào. Một trái mít nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của cô bạn trong đoàn khi cô vỗ vào vỏ và tiếng nghe bịch bịch cùng mùi hương quyến rũ thoang thoảng. Cô gái kêu lên “chín rồi” và nhanh chóng thu lượm “chiến lợi phẩm”.
Vợ ông Ba Thới vui vẻ phụ giúp xẻ mít và không quên tặng thêm vài trái sầu riêng Ri 6, Chín Hóa chín cây cùng ca chanh muối.

< Vườn bưởi da xanh.

Trước đây, toàn cù lao này chỉ trồng lác làm chiếu, hiện được phủ kín bởi các loại trái cây đặc sản. Riêng xã Thanh Bình có trên 500ha sầu riêng, 400ha bưởi da xanh và hàng chục hecta mỗi loại măng cụt, xoài, mận… Nhờ chịu thương chịu khó, chọn giống tốt, áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác, đời sống người dân nơi đây ngày càng sung túc. Chẳng hạn trường hợp vườn nhà ông Ba Thới, mỗi vụ sầu riêng ông thu khoảng 400 triệu đồng. Thế nhưng, hiện người dân nơi đây lại mong muốn biến cù lao này trở thành một điểm đến du lịch, để cho du khách có cơ hội thưởng thức tận vườn trái cây ngon và trải nghiệm nếp sống văn hóa của người cù lao.

< Du khách hào hứng chụp cảnh làm bánh xèo.
Dulichgo
Từ ngây ngất trong hương vị của các loại trái cây, chúng tôi như “chết lịm” với hàng loạt các món ăn ngon của đầu bếp quán lá Vườn Dừa. Khai vị là món bánh xèo với một loại nhân hoàn toàn mới lạ - nhân hến. Hến ở vùng này mang vị ngọt thanh và có màu rất trắng; quyện với vị béo của nước dừa trong bột bánh, vị bùi bùi chua chua của lá cát lồi, nhẫn nhẫn của lá cách, chua ngọt của nước chấm khiến chúng tôi không thể dứt ra.

< Bánh xèo nhân hến.

Không chỉ vậy, nhóm bạn gái, bạn trai Sài Gòn còn được dì Sáu, chủ chòi lá Vườn Dừa (người thực hiện các món ăn cho đoàn) hướng dẫn để tự tay đổ chiếc bánh xèo. Dẫu còn vụng về, dẫu chiếc bánh chưa được đẹp mắt, còn chút xém đen, vẫn không ngăn được vẻ hân hoan, hứng khởi cho người thực hiện.

< Cá hú sông tươi rói.

Món thứ hai được dọn lên: gỏi gà hấp rượu. Gà quê ngon là một lẽ, món gỏi gà lại được trộn cùng lõi cây chuối non xắt nhỏ, ngọt thanh khiết và giòn tan trong miệng. Chúng tôi tiếp tục thưởng thức món canh chua cá nấu bần có vị chua thanh của quả bần chín đánh bay mùi tanh của cá, quyện thêm vị bùi ngậy của chuối xanh, cho cảm giác khó tả như vừa được giải nhiệt, lại vừa được sưởi ấm...

< Ốc nướng muối tiêu xanh thơm lừng.
Dulichgo
Cũng trong không gian chòi lá này, chúng tôi được thăng hoa cùng các nghệ sĩ nông dân. Anh Út, chị Phượng, chị Nga… là những nông dân chính hiệu, đã nhanh chóng nhập vai ngọt ngào, nỉ non với Tâm sự Huyền Trân, Lan và Điệp, rồi bi thương, sâu lắng với khúc Phụng hoàng hay Vọng kim lang, day dứt tâm sự cô Ba Hiền trong bài tân cổ giao duyên Bông bồn bồn rụng trắng…

Cù lao Dài (tên khác là Phù Thạch hay cù lao Năm Thôn) có chiều dài khoảng 20km, gồm 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện. Cù lao này thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, giáp với tỉnh Bến Tre ở hướng Đông và hướng Bắc, hướng Nam giáp với tỉnh Trà Vinh.

< Thưởng thức món ngon.

Theo lịch sử tỉnh Vĩnh Long, nơi đây là một vùng đất hoang sơ do người dân khai hoang lập ấp trên địa bàn trấn Vĩnh Thanh dưới triều vua Gia Long. Năm 1917 (Đinh Sửu), công thần nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thoại bắt đầu cho di dân đến vùng nầy và lập ra năm làng Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Sau đó, dân đến cư trú đông dần, nhà cửa, đình chùa, cầu lộ được xây lên nhiều; cuộc sống trên cù lao rất thịnh vượng. Ngày nay, trên cù lao còn các di tích như lăng, mộ của nhiều người trong dòng họ ông Nguyễn Văn Thoại và những quan chức thời bấy giờ, trong số này có lăng và mộ cụ bà Nguyễn Thị Tuyết, thân mẫu ông Nguyễn Văn Thoại.

< Những nghệ sĩ nông dân với giọng hát ngọt ngào.

Trước kia, cù lao thường xuyên bị ngập nước nên chỉ thuận tiện trồng lúa nước hay trồng lát. Ngày nay, nhờ có sự đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cù lao Dài trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú của huyện Vũng Liêm với những mặt hàng nông sản như trái cây ngon, cá da trơn, tôm nước ngọt…
Dulichgo
Phần lớn diện tích cù lao đã chuyển sang chuyên canh trồng cây đặc sản như bòn bon, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm...

< Trải qua quá trình lịch sử, cù lao Dài đã chứng minh sức sống của một vùng đất địa linh, nhân kiệt.

Riêng một số ấp ở đuôi cù lao thuộc xã Thanh Bình (như Bình Thủy, Thông Lưu), bà con vẫn còn giữ cây trồng truyền thống là cây lát. Cùng với trồng lát, từ lâu, người dân nơi đây đã biết đến nghề dệt chiếu, se lõi lát. Ở Bình Thuỷ, Thông Lưu, hầu hết các hộ gia đình đều có máy se lõi lát. Ấp Bình Thủy đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống.

Theo Phụ Nữ online, Cồ Việt Mobile
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét