(CAND) - Ba Bể từ lâu đã trở thành một địa danh quen thuộc đối với du khách đến Bắc Kạn, đặc biệt trong mùa lễ hội thì đây là “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, đến Ba Bể người ta thường thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ nước ngọt trên núi, của Vườn Quốc gia Ba Bể mà ít khi để ý đến bản người Mông nằm trên dãy núi giữa lòng hồ. Đó là bản Khau Qua, xã Nam Mẫu – nơi được ví như một ốc đảo bao quanh bởi hồ nước thơ mộng…
Trong một lần công tác ở Bắc Kạn, tôi đã nghe giới thiệu về bản người Mông đặc biệt này rồi, và tự hứa với lòng mình, nếu có dịp thì phải tìm đến bằng được. Và cái duyên đã đưa đẩy tôi đến với bản Khau Qua một ngày cuối tháng tư.
Dưới sự chỉ dẫn của Thượng tá Triệu Kim Lai, Phó Trưởng Công an huyện Ba Bể và hai nam thanh niên sống ven hồ Ba Bể thông thuộc địa hình, chúng tôi lên đường vào bản khi trời vừa quá trưa. Sau ít phút chuẩn bị áo ấm, chuyển đổi đôi giày thành dép tổ ong, đội mũ bảo hiểm chắc chắn và thủ thêm chiếc đèn pin, chúng tôi xuất phát vào bản.
Lần đầu tiên ngồi xe Win đối với tôi cảm giác cũng không đặc biệt lắm so với việc con đường vào bản hết sức quanh co và nhỏ hẹp. Chúng tôi đi qua những ruộng lúa, những bãi đất trồng cỏ voi, có lúc sát mép hồ như đang trong một thung lũng, trên những con đường đất nhỏ, có chỗ chỉ chừng 50-70 phân, vừa đủ một xe máy. Rồi hết con đường đất là những đoạn đường dốc cao, quanh co sườn núi, hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, có những chỗ chúng tôi đi sát mép núi, một bên là núi đá, một bên là vực sâu, đường đi khá là mạo hiểm. Đi được một phần ba quãng đường thì trời bắt đầu đổ mưa…
Dulichgo
Đường vào bản còn xa mà mưa ngày một dày. Nước mưa bắt đầu tạo ra những rãnh nước lầy lội khiến chiếc xe Win cũ kỹ không thể phóng vèo vèo mà phải bò mệt nhọc lên dốc. Nhiều chỗ bánh xe trong nỗ lực vít ga của anh tài xế cũng đành bất lực trước bùn lầy, xoay bên trái, chuầy sang phải rồi lăn kềnh giữa đường. Tôi và Thượng tá Lai phải xuống đi bộ. Đi bộ đến chỗ khả dĩ hơn lại lên xe, rồi lại đi bộ. Thế nhưng theo lời của anh, “có đường mà đi như này là tốt lắm rồi”, chứ cách đây 2-3 năm, mỗi lần vào bản, Thượng tá Lai và những cán bộ Đội An ninh Công an huyện Ba Bể thường phải đi xuồng trên hồ, luồn qua các hang động, sau đó là bắc thang leo núi…
Gần 16h, sau hơn 2 tiếng đồng hồ vật vã với bùn đất, đi qua không biết bao nhiêu ngọn núi, chúng tôi mới đến được nhà ông Dình, dù quãng đường chỉ hơn chục km. Tôi bắt đầu hiểu tại sao bản người Mông này lại tách biệt với thế giới bên ngoài…
Dulichgo
Dù đã hẹn trước nhưng do cơn mưa bất chợt nên ông Dình phải đi lùa trâu về, bởi con trâu đối với ông là cả một gia tài. Ở nhà chỉ có anh Thào Văn Pá, Công an viên thôn Khau Qua – con trai ông Dình, anh Lý A Thán (35 tuổi), Trưởng thôn Khau Qua và một số người dân trong thôn. Bên bếp lửa bập bùng ấm áp, giúp hong khô áo quần, anh Thán kể: “Tôi ở đây 25 năm rồi, bố tôi, Lý A Páo là người Mông đầu tiên đặt chân đến nơi này và khai hoang, trồng trọt…”.
Trước nhà anh ở thôn Nà Siến, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể, tức ở bên ngoài hồ, cách đây khoảng 50-60 cây số. Nhưng rồi vì ở đấy không có đất đai, ruộng nương để làm ăn, canh tác, năm 1990, ông Páo đã dắt díu vợ con vào đây tìm kế sinh nhai. Gia đình anh Thán có 10 người con thì có 3 người đi lấy chồng ở xã khác, còn lại 7 người hiện đang sinh sống tại Khau Qua. Vị Trưởng thôn kể, cả thôn có 37 hộ, 262 khẩu nhưng tính ra thì chỉ có 6 gia đình, dòng họ cùng chung sống. Tuy tách biệt với thế giới bên ngoài, chưa có điện, nhiều phong tục tập quán còn cũ kỹ, lạc hậu nhưng người dân Khau Qua luôn sống hoà thuận, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau…
Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể nên bà con Khau Qua chủ yếu canh tác ruộng nương, giờ đây họ không những hạn chế khai thác rừng mà còn nhận khoán bảo vệ rừng. Trước đây điện không có, không có phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, tivi; trình độ văn hoá hạn chế, người dân không trồng được lúa nên nghèo đói liên miên, phải ăn ngô, ăn mèn mén, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở Khau Qua vì thế mà khá phức tạp. Đặc biệt là tội phạm trộm cắp, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, nạn tảo hôn…
Sau đó cán bộ Công an thường xuyên vào bản nắm tình hình, kết hợp tham mưu cho cấp uỷ chính quyền cử cán bộ nông lâm vào bản truyền đạt cho bà con kỹ thuật phát triển sản xuất, đời sống bà con dần dần ổn định, hết đói nghèo thì tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội cũng vì thế mà giảm. Theo Công an viên Thào Văn Pá, tình hình ANTT trong thôn hiện đã ổn định: “Người trong thôn bây giờ không uống rượu nữa, ít khi gây gổ đánh nhau hay trộm cắp, mọi người đoàn kết lắm”. Anh Pá cho biết, những sự vụ trong thôn nếu có chỉ là vài vụ tranh chấp đất đai, nhưng sau đó đều được đôi bên thu xếp ổn thỏa, không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng.
Dulichgo
Sống bình yên với công việc đồng áng, chăn nuôi theo hình thức tự cung tự cấp, tuy nhiên điện vẫn chưa về bản, đường đi khó khăn… hẳn nhiên cũng còn đó những bất tiện trong sinh hoạt, đặc biệt là dịch vụ y tế. “Hiện chúng tôi đã có cán bộ y tế, đau nhẹ thì đến cán bộ khám, đau nặng mới đi bệnh viện – anh Pá nói – lúc mới về đây mới khó khăn thiếu thốn, năm 1995, mẹ tôi đau đẻ, chưa có đường vào bản như bây giờ, anh em họ hàng trong bản gần chục người chung tay khiêng đi bệnh viện, mất 2 giờ đồng hồ mới đến nơi”.
Nhiều trường hợp phụ nữ sinh con thì nhờ các bà mẹ lớn tuổi trong thôn có kinh nghiệm đỡ đẻ giúp, bởi đến được bệnh viện thì mất nhiều thời gian, rủi ro cao nếu không đến kịp… Bất tiện là thế nhưng đã gắn bó với mảnh đất này, ít người muốn dứt áo ra đi.
Ông Trương Dống Páo (60 tuổi) tâm sự: “Trước tôi ở thôn Nung, Cao Bằng, sau theo cha mẹ vào đây sinh sống. Mới đầu chưa có người và thiếu thốn đủ đường, khổ và buồn lắm. Giờ điện cũng chưa có, xa xôi cách trở nhưng sống lâu cũng quen rồi…”. Còn thanh niên Sùng Văn Hồng, 23 tuổi chỉ cười cười: “Em học hết lớp 9 thì ở nhà phụ giúp bố mẹ trồng trọt chăn nuôi. Bây giờ Khau Qua là nhà mình rồi thì còn đi đâu được nữa”. Bên ánh lửa bập bùng, bà con Khau Qua rủ rỉ tâm sự, nói về một tương lai đầy hứa hẹn. Trên khuôn mặt ai nấy đều ửng hồng…
Theo Quỳnh Vinh (Công An Nhân Dân)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét