Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Bún tôm, bún rạm nức tiếng Quy Nhơn

(PNO) - Con tôm, con rạm của đầm Trà Ổ (Phù Mỹ, Bình Định) được người dân nơi đây khéo léo chế biến ra món bún có một không hai, ăn một tô lại muốn thêm một tô nữa. Thứ bún dân dã ấy trở thành đặc sản của miền quê này.

< Đặc sản bún tôm nổi tiếng của Phù Mỹ nay đã có mặt tại Quy Nhơn.

Nguyên liệu của món bún tôm, bún rạm Phù Mỹ là phải tôm, rạm của chính đầm Trà Ổ mới có được vị ngọt, vị thơm. Cách chế biến bún không khó, chỉ phức tạp ở khâu ép bún. Bún trong món này phải là sợi bún tươi được ép ra từ máy, luộc qua nước gạo, vắt qua nước trong mới cho vào tô.

< Ăn tới đâu bún ép tới đó.

Để có cọng bún ngon, người ta ngâm gạo trong nước một ngày một đêm mới đem xay thành bột sau đó cho vào máy ép bún. Ăn tới đâu thì ép bún tới đó. Bún được ép ra trên nồi nước gạo đun sôi rồi vớt ra để ráo, cho vào tô.

< Bún ép ra trên nồi nước gạo đun sôi rồi vớt ra để ráo, cho vào tô.
Dulichgo
Tôm phải lựa tôm đất ngon, ngọt để nguyên vỏ giã nhuyễn rồi ướp gia vị. Trụng tôm với nước gạo sôi như cách người ta làm bún bò tái, quậy đều tô nước cho tôm chín rồi cho vào tô bún. Nêm nếm chút gia vị, hành ngò, đặc biệt phải có muối ớt bột thì mới đúng vị bún tôm. Tô bún nóng ngào ngạt hương ăn kèm với bánh tráng gạo nướng chín, ngày nắng ăn mát ngọt, ngày mưa vị cay cay ăn đến đâu hít hà sảng khoái đến đấy.

< Tôm đất ngon giã nhuyễn, cho nước gạo đun sôi vào tô, quậy đều cho tôm chín mới cho vào tô bún.

Ban đầu khách có thể chưa quen với món bún có phần đơn điệu này, nhưng khi ăn, vị ngọt tự nhiên của tôm, của nước gạo, của sợi bún quyện vào nhau tạo nên một hương vị thật đặc biệt, chiều lòng được những người sành ăn nhất. Nhiều người ăn bún tôm Phù Mỹ đến ghiền, chỉ biết gật gù món bún ăn no mà không ngán. Đã ăn một tô phải ăn thêm tô nữa mới đã cơn thèm.

< Bún tôm ăn kèm với bánh tráng gạo nướng chín, muối ớt bột.
Dulichgo
Bún rạm lại thêm một chút kỳ công. Rạm của đầm Trà Ổ ngâm, rửa sạch, xay nhuyễn chắt lấy nước như riêu cua. Đem nước rạm nấu lên, cho thêm dầu ăn, hành phi và nêm nếm gia vị. Nước rạm để riêng, tô bún để riêng. Bún rạm có thêm rau sống và xoài xanh, đậu phộng rang nguyên hạt. Chế nước rạm vào tô từng chút, từng chút, ăn đến đâu chế nước đến đó. Nước rạm béo mà không ngậy, có rau sống và xoài xanh chua ngọt đi kèm.

< Bún rạm kỳ công hơn, rạm phải giã nhuyễn chắt lấy nước và đun sôi, nêm nếm gia vị.

Trước đây, muốn ăn bún tôm, bún rạm Phù Mỹ chính gốc phải đi quãng đường 60km tới nơi để thưởng thức. Những lần đi công tác qua huyện Phù Mỹ, chúng tôi đều dừng chân tìm ăn bún tôm, bún rạm. Bây giờ, ở Quy Nhơn đã có quán bún tôm, bún rạm của người Phù Mỹ chế biến, hương vị ngon, ngọt chỉ có hơn mà không kém.

< Bún rạm dọn kèm với rau sống, xoài xanh, đậu phộng rang, nước rạm để riêng.
Dulichgo
Chủ quán bún tôm, bún rạm Mỹ Hạnh (đường Ngô Gia Tự, Quy Nhơn), nói: “Thành công của món bún này là nguyên liệu, phải là tôm, rạm của đầm Trà Ổ, phải là bún tươi đun sôi trên nước gạo thì mới có hương vị của bún tôm, bún rạm Phù Mỹ.

Loanh quanh khắp thành phố Quy Nhơn, không dưới 10 quán bún tôm, bún rạm Phù Mỹ nên thực khách có thể thoải mái thưởng thức. Giá thành món bún này cực kỳ bình dân, tô bún lớn 18.000đ/tô, tô bún nhỏ 16.000đ/tô cho cả bún tôm, bún rạm.

Theo Thu Dịu (Phụ Nữ online)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét