(TTO) - Nhắc đến xứ núi Cao Bằng, không ai không nhắc đến một đặc sản làm nức danh vùng đất hùng vĩ này. Đó là hạt dẻ Trùng Khánh. Đặc biệt, du khách có thể tự tay mình rang hạt dẻ tại chợ phiên.
Muốn tìm đến vị ngon của hạt dẻ, thực khách phải cất công lặn lội lên tận Trùng Khánh (Cao Bằng), nơi đây được coi là “lãnh địa” của thứ hạt nổi tiếng này. Và tại nơi này du khách mới có cơ hội được ăn loại hạt dẻ do chính bàn tay của cư dân bản địa trồng và hái về.
Xưa kia cây dẻ sống trong rừng già, cây trổ hoa vào đầu xuân rồi kết trái thành từng chùm. Hoa dẻ khi nở thơm nức cả khu rừng nhưng chùm quả dẻ không mấy hấp dẫn bởi vỏ quả là lớp gai xù xì, nhọn hoắt, cầm không khéo là bị đâm bất kỳ lúc nào.
Cuối thu, đầu đông, vỏ quả dẻ tách ra, làm lộ rõ những hạt dẻ tròn tròn, vỏ màu nâu sẫm cứng như sừng mun. Chỉ độ vài ngày hạt dẻ rụng xuống chân gốc.
Dulichgo
Người Dao, người Tày vào rừng nhặt hạt dẻ về luộc, nướng, rang ăn thấy bùi bùi, ngọt ngọt. Biết đây là loài cây cho loại hạt ngon và bổ dưỡng nên họ mang giống dẻ về trồng trong khu vườn nhà mình, mùa dẻ rụng hạt, họ nhặt và mang ra chợ bán.
Thú nhất là được đi dưới tán rừng dẻ bạt ngàn vào tiết trời se se lạnh cuối mùa thu ở xứ sở Trùng Khánh để nhặt hạt dẻ. Người dân ở đây không trèo lên cây để hái hạt mà chờ cho dẻ đúng độ già, tự tách vỏ bao bên ngoài và rơi xuống đất, bởi khi ấy hạt mới đủ độ ngọt bùi.
< Hạt dẻ Trùng Khánh thu hoạch vào dịp cuối thu đầu đông.
Từ bao đời nay, hạt dẻ là đặc sản trong vốn ẩm thực của người vùng cao Trùng Khánh ở Cao Bằng. Món ăn này dân dã và chế biến cũng không cầu kỳ.
Muốn mua được hạt dẻ ngon, bạn nên cất công vào tận trong các bản Dao, bản Tày để mua tại nhà hoặc ra chợ phiên vào cuối tuần. Khi chọn hạt dẻ nền cầm lên quan sát, hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu là loại hạt nâu bóng, nhiều lông, hạt to, hình tròn đều.
Hạt dẻ ngon mỗi vị ở mỗi cách chế biến. Có thể luộc hạt dẻ trong nước sôi, có thể nướng trên than hồng hay rang hạt dẻ trong chảo. Tất cả đều làm say lòng người.
< Du khách có thể tự tay mình rang hạt dẻ tại chợ phiên.
Khi chế biến món hạt dẻ luộc, người ta dùng dao rạch một đường chạm vào tận lõi để hơi và nước có thể vào bên trong cho hạt dẻ nhanh chín. Đổ nước xâm xấp, rắc thêm chút muối hạt rồi đun chừng 25-30 phút là có thể mang ra thưởng thức.
Dulichgo
Nếu rang phải chuẩn bị một ít đá sỏi nhỏ, rửa sạch cho vào chảo cùng với hạt dẻ. Có khi người chế biến lại dùng muối hạt rang cùng. Đây là cách tạo nhiệt để hạt dẻ nhanh chín và chín đều.
Cũng giống như luộc hạt dẻ, phải dùng dao khía lên bề mặt hạt rồi mới cho vào rang cùng đá. Khi rang không cần đảo hạt liên tục vì có lúc cần ngâm cho hạt dẻ tiếp xúc với đá nóng.
< Hạt dẻ rang thơm ngon và ngọt bùi.
Những buổi tối mùa đông giá lạnh ngồi bên bếp lửa, không có thú nào bằng thú nướng hạt dẻ trên than hồng. Cũng dùng dao khía lên vỏ hạt rồi đặt lên vỉ bên dưới là than hồng. Hạt dẻ sẽ dần tách vỏ, lõi bên trong sẽ vàng dần, chừng 20 phút là có thể bóc hạt dẻ thưởng thức ngay tại bếp.
Dulichgo
Mỗi cách chế biến sẽ mang đến cho hạt dẻ một dư vị riêng. Hạt dẻ luộc thơm bùi và bở ngọt. Vị thanh ngọt tự nhiên của dẻ khiến thực khách cảm thấy sảng khoái tâm hồn. Hạt dẻ rang ráo nước hơn, vừa thơm giòn, vừa ngọt đậm. Còn hạt dẻ nướng thì giòn nơi bề mặt.
Hạt dẻ Trùng Khánh thưởng thức một lần thì nhớ mãi và muốn mua về làm quà...
Theo Nguyễn Thế Lượng (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét