(AGO) - Văn hóa ẩm thực đã và đang trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Đặc biệt, ở một số điểm tham quan thu hút khách trong tỉnh, ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố đi kèm phục vụ cho nhu cầu của khách, mà đã trở thành mục đích của các chuyến đi.
Đến với vùng Bảy Núi, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản mà chỉ riêng nơi đây mới có được hương vị đặc trưng như thế. Đầu tiên là món bánh xèo. Điểm hấp dẫn ở món ăn này không phải vì hương vị ngon hơn dưới đồng bằng, mà là ở dĩa rau ăn kèm. Ăn bánh xèo núi gói với rau rừng mới “đúng bài” và thưởng thức trọn cảm giác du ngoạn trên núi. Những loại rau mọc hoang, quanh năm xanh tốt được thiên nhiên ưu đãi cho người vùng núi nay có mặt trong thực đơn của rất nhiều món ăn.
Rau ăn kèm bánh xèo có hơn 20 loại, như: Lá sung, cát lồi, tàu bay, ngạnh, đọt bứa, kim thất...
Bột bánh lại có hương vị thơm là lạ của gạo “lúa sóc” - loại lúa đồng bào Khmer trồng sát chân núi, mỗi năm một mùa. Đến Tri Tôn, Tịnh Biên hay lên núi Cấm, núi Dài, núi Két rồi xuôi về thị trấn Nhà Bàng, du khách đều có cơ hội thưởng thức qua món ăn vừa quen, vừa lạ này.
Thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên) còn nổi tiếng với món cháo cá rau đắng. Đặc biệt vào mùa mưa, người dân bản địa lên núi tìm rau đắng rừng về bán như một nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Cọng rau nhỏ, xanh, vừa cho vào tô cháo nóng hổi đã mềm. Húp miếng cháo còn nghi ngút khói, cảm nhận vị ngọt lẫn vị đắng nhẫn hòa vào nhau quả thật rất thú vị. Một điểm khác là lên núi tham quan, dã ngoại, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn của người dân tộc bản địa, vốn gắn với các loại măng, thịt bò. Mùa mưa thì có măng luộc chấm nước mắm trong, măng chua nấu canh, hay xào ếch, xào gà, xào thịt bò…
Riêng thịt bò, đối với đồng bào dân tộc Khmer có thể chế biến thành hàng chục món đặc sản lạ miệng. Từ cháo bò, khô bò… hay các món như gà hấp lá trúc, bánh canh Vĩnh Trung, cốm dẹp Tri Tôn… cũng là những món ăn mang nét riêng của vùng Bảy Núi.
Nói đến ẩm thực Bảy Núi, không thể không kể đến món gỏi sầu đâu, đó là sự kết hợp từ vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của khô cá lóc (hay cá sặc bổi) quyện với nhau càng làm tăng thêm khẩu vị nhờ mùi vị lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào. Muốn có món gỏi ngon, trước hết phải chọn được những đọt non kèm với bông. Khô cá lóc cần được nướng trên than đỏ lửa, sau khi nướng chín, xé ra từng miếng nhỏ rồi trộn chung với đọt sầu đâu. Bí quyết của món gỏi này là phải trộn với nước me chua, thêm chút đường, ớt cho thấm. Món này kèm thêm dưa leo hoặc xoài chua bằm nhỏ sẽ “hết chỗ chê”.
Những món ăn này đã được du khách gần xa kiểm chứng và từ lâu đã trở thành những món ăn quen thuộc không thể thiếu khi đến An Giang. Du khách còn có dịp được thưởng thức món “Tung lò mò”. Đây là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò – món ăn độc đáo của người Chăm. Muốn ăn “Tung lò mò” thì nên nướng chứ không chiên, vì là nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì thì càng tuyệt vời.
Ngày nay, không khó để những người “sành ăn” tìm kiếm các món đặc sản của các địa phương, thậm chí ngay trong nhà hàng, quán ăn tại thành phố. Tuy nhiên, đến tận nơi, được thấy, được nếm, được cảm nhận cả mùi lẫn vị từ những món dân dã ngay tại bản địa vẫn lôi cuốn khách du lịch.
Khai thác tiềm năng từ ẩm thực sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch đến với Bảy Núi nói riêng, An Giang nói chung ngày càng nhiều hơn. Là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống (Chăm, Hoa, Khmer, Kinh) và có sự giao thoa văn hóa độc đáo nhưng mỗi vùng, miền trên mảnh đất An Giang vẫn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc vốn có từ bao đời nay, trong đó có những giá trị văn hóa được gìn giữ qua ẩm thực. Đó là điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa nếu được khai thác đúng cách.
Theo Ánh Nguyên (Báo An Giang)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét