Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Những 'mảng xanh' tại Q2

Tìm những mảng xanh tại TPHCM, một thành phố phát triển và đông dân nhất nước thì không thiếu. Giữa lớp lớp nhà chọc trời, vẫn còn đó các công viên trong lòng thành phố được chăm sóc, cây xanh được vun bón kỹ lưỡng. Vậy nhưng mảng xanh theo kiểu cỏ dại, cây bụi hoang vắng thì hiếm - rộng mênh mông lại càng hiếm hơn. Ấy vậy, mảng xanh kiểu này lại đầy dẫy nếu bạn trực chỉ qua quận 2.

< Xóm nhỏ dưới chân cầu Thủ Thiêm (phía Q2 - vị trí).

Quận 1 rực rỡ về đêm với những tòa nhà cao chọc trời, trong khi bờ phía quận 2 lại hoang vắng, cỏ cây um tùm. Giữa rừng dừa nước là xóm nhỏ chừng chục nóc nhà lợp tôn xập xệ chờ giải toả. Từ đây có thể nhìn thấy những căn hộ sang trọng The Manor bên kia.

< Lối mòn dẫn vào xóm nhỏ thế này đây, cỏ cây um tùm.

Từ cầu Thủ Thiêm nhìn về phía quận 1, dưới chân cầu là xóm nhỏ của những người dân đang cố bám trụ trước khi bị di dời để trao trả mặt bằng cho thành phố phát triển theo quy hoạch mới.

< Các công trình phụ như tắm giặt vệ sinh được dựng tạm hướng ra sông, để thủy triều tự cuốn đi.

Do khu vực bỏ hoang lâu ngày nên cây cối phát triển um tùm, lâu dần biến nơi đây thành một “khu rừng xanh” giữa lòng thành phố. Khi thủy triều quá cao, những ngôi nhà con con này trở thành 'nhà nổi' do nước ngập hết nền đất.

< Để mưu sinh, các hộ dân làm đủ nghề như đóng thuyền, vớt thuê trên sông. Gia đình chú Hai nhận vớt tất cả các loại xà bần, ve chai, cào vật liệu phế thải…


< Nhìn qua bến Nhà Rồng, Q4 (vị trí).

Với một TP HCM hiện đại, náo nhiệt và nhiều nhà cao tầng thì chắc ít ai có thể hình dung được vẫn còn một nơi hoang vu như thế này.

Buổi chiều, nhiều người chạy xe từ bên kia thành phố qua hầm Thủ Thiêm đến đây hóng gió, chụp ảnh. Tuy nhiên, khi thành phố lên đèn, họ lại vội vã rời đi do khu vực này tối và an ninh phức tạp.

< Công viên đầu hầm là nơi yêu thích của giới trẻ về đêm (vị trí), còn sáng sớm sẽ thành nơi tụ họp của những nhóm cua rơ xe đạp.

Chốn an bình trong buổi chập tối là công viên đầu hầm Thủ Thiêm. Nhiều bạn trẻ lại thích tụ tập nấu nướng, họp nhóm trên con lề rộng của con đường thênh thang Mai Chí Thọ... và chỉ rời đây qua ngõ cầu Thủ Thiêm khi đã ngót nghét gần nửa đêm (hầm Thủ Thiêm đóng cửa với xe máy lúc 22h).

< Khi thành phố lên đèn: các hộ dân bày quán bán giải khát, nhậu đêm cạnh gầm cầu cho khách vãng lai để kiếm thêm thu nhập (vị trí).

Riêng xóm nhỏ còn sót lại bên đầu cầu Thủ Thiêm thì tối đen, leo lét vài ánh đèn từ những chái nhà hắt ra hiu quạnh.
Đường mòn dẫn vào các ngôi nhà ở đây giống như lối nhỏ băng qua những vùng đất hoang phế nhiều năm. Lý do khiến những gia đình chưa chịu di dời vì chưa hài lòng với mức đền bù của thành phố...

< Miễu bà Thiên Hậu cạnh bờ sông Sàigòn.

Đây là phía ngay đầu cầu Thủ Thiêm, thuộc phường An Khánh nằm ở phía Tây bán đảo Thủ Thiêm.

Còn vùng phía Nam, bắt đầu từ công viên đầu hầm (thuộc phường Thủ Thiêm), con đường Cây Bàng chạy ven sông Sàigòn sẽ chạy ngang qua miếu Cô, còn gọi là miễu bà Thiên Hậu.

< Đoạn đường Cây Bàng chạy ven sông rất vắng vẻ.

Khi người tứ xứ vào khai phá Thủ Thiêm, họ đã dựng lên đình, miễu. Miễu (theo nhà nghiên cứu Sơn Nam là do chữ miếu nói trại ra) - miễu Thiên Hậu ở phường Thủ Thiêm có từ thời ấy.

Năm 1945 Nhật qua giật sập miễu này. Năm 1956, ông Lương Văn Châu (vị thủ từ đã mất) đứng ra kêu gọi bà con đóng góp dựng cái miễu trên nền cũ. Gần đấy còn có miếu Cây Me đã có hàng trăm năm tuổi, đang thờ các Mẫu, Ngũ vị nương nương và Phật bà Quan Âm...

< Chạy dọc đường này sẽ thấy trung tâm Sàigòn sầm uất, rồi đến các cảng Q4, Q7...

Chạy xe vào sâu phía trong, ta có thể thấy đường này mấp mô đất đá, khá vắng ngay cả ban ngày... nhưng cảnh vật nhìn ra sông Sàigòn lạ mắt. Tấm bảng 'cảnh báo cướp' ven lối nhỏ có thể làm chùn bước chân bạn... nhưng mình đã đi đôi lần, vẫn bình yên vì là ban ngày - ban đêm thì đố ai dám... ngoại trừ người địa phương. Sợ cướp hay sợ... ma? Chắc sợ cả 2!

< Rạch nhỏ tại Q2 khá nhiều, đa phần cỏ cây um tùm (vị trí).

Đến khúc gập cuối cùng sẽ thông ra con đường thẳng Trần Não nối thẳng vào Mai Chí Thọ rồi xuyên tâm đường này, vượt cầu rạch Cá Trê vào phường Bình Khánh (Q2), mở rộng khi gặp khu dân cư đông đúc thuộc phường Bình An, đến cuối thì gặp xa lộ Hà Nội, ngay đoạn chân cầu Sàigòn.

< Thích không gian xanh rộng mở thì khối chỗ để đi. Muốn an toàn, ta chạy xế còi thôi thì tha hồ vào các ngóc ngách (vị trí).

Không gian xanh ở quận 2 còn rộng mở trên đường vành đai 2 kéo từ cầu Phú Mỹ đến tận quận 9 - khéo tìm tòi thì mảng xanh ê hề.

< Từ cầu Thủ Thiêm nhìn qua khu cao ốc Saigon Pearl thuộc quận Bình Thạnh.

Giữa thành phố náo nhiệt nhất nước: một phần quận 2 vẫn đầy các đồng cỏ bụi rậm hoang vu... đang chờ ngày phát triển thành vùng nội thành đã quy hoạch chi tiết... và trong lúc chờ đợi, bạn vẫn có quyền thụ hưởng khung cảnh đồng lúa quê trên đường Vành đai 2 (đoạn Thạnh Mỹ Lợi), khoảng không gian xanh bao la trên đường Mai Chí Thọ, cỏ cây rậm rạp ven đường chân cầu Phú Mỹ hay những cung đường hoang vắng ven sông Sàigòn. Có lẽ, mươi năm nữa - khi Q2 phát triển toàn diện rồi thì chả còn cảnh vật này đâu...

Du lịch, GO! - Một phần thông tin từ Zing

Lưu ý: Quận 2 là vùng đất thấp, vậy nên hay ngập nước vào lúc triều cường. Hai đoạn đường thường ngập nặng gồm: Trần Văn Khê (đường nối cầu Thủ Thiêm vào Mai Chí Thọ) và Lương Định Của.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét