Miền Tây, với chín khúc Cửu Long uốn lượn giữa miền phù sa rực rỡ, với ngàn vạn con kênh rạch chằng chịt đã khiến những chiếc thuyền, chiếc ghe trở thành thân quen với cư dân sông nước. Một điều rất lạ với những du khách tới từ phương xa, đó là những chiếc ghe, chiếc thuyền chạy khắp tận cùng kênh rạch ấy đều có hai con mắt. Hai con mắt nhấp nhô trên sóng như dõi về đất liền, nơi ấm áp, an toàn, nơi những đôi mắt thân yêu đang dõi bước.
Trong cái nắng miền sông nước chói chang nhưng mát lành, bập bềnh trên chiếc vỏ lãi đuôi tôm, nghe những người dân quanh năm sống trên sông nước nói chuyện về chiếc ghe của mình mới thấy hết sự gắn bó của họ với phương tiện giao thông quan trọng này.
Với cư dân sông nước, chiếc ghe, chiếc thuyền không khác một con người, cũng biết hy vọng, biết đợi chờ. Và cũng như con người, ghe, thuyền phải có mắt, mắt để nhìn giúp ghe đi đúng hướng, mắt để dõi về đất liền nơi có những người thân yêu đang chờ đợi, mắt để nhìn giúp ghe, thuyền tránh xa bão tố. Đôi mắt gắn với đời của mỗi chiếc ghe, chiếc thuyền từ khi được hạ thủy tới khi nghỉ ngơi mãi mãi trên bờ. Khắp các nẻo sông rạch, vươn cả ra biển xa, những chiếc ghe, chiếc thuyền mang trên mũi tàu hai con mắt lướt trên đầu sóng, mang niềm hy vọng bình an của những người sống đời sông nước.
Trên những dòng sông Tiền, sông Hậu và hàng trăm sông lớn nhỏ khác, tụ họp những ghe thuyền của cư dân những địa phương khác nhau: Cà Mau, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long Xuyên… Và không cần hỏi nhiều về nơi xuất xứ của chủ nhân, bởi mắt ghe, thuyền đã cho thấy quê hương của chúng. Mỗi vùng có truyền thống vẽ mắt ghe khác nhau, mắt tròn, mắt dẹt, mắt vẽ sát mũi, mắt vẽ cách xa…, chỉ cần là người sống với nghề, nhìn mắt ghe là biết ngay nơi ghe ra đi. Đôi mắt ghe cũng trở thành “thương hiệu” của chủ ghe. Đặc biệt lộng lẫy là những đôi mắt trên ghe, thuyền của vùng Cần Thơ, mắt được vẽ tròn to, trang trí bằng những hoa văn rực rỡ, tạo nên vẻ sống động cho thuyền ghe khi nhấp nhô trên sóng Cửu Long.
Không phải tự nhiên chủ ghe thích là vẽ mắt trên ghe, mỗi chiếc ghe, thuyền trước khi được hạ thủy đều phải qua một lễ, gọi là lễ “điểm nhãn”, để người thợ vẽ mắt lên ghe, thuyền. Lễ vật cúng điểm nhãn đơn giản, bao gồm hoa và bộ “tam sên”: tôm, thịt heo, trứng vịt. Sau khi cúng, thuyền, ghe được “mở mắt”, mới đủ “điều kiện” để hạ thủy. Sau đó, vào mỗi ngày rằm, mùng một, chủ ghe phải cúng thuyền với lễ vật chính là vịt, loài vật bơi giỏi, sống trên sông như trên đất liền với mong muốn ghe cũng bình yên xuôi ngược trên sông nước. Sau một thời gian ngang dọc, ghe, thuyền có hư hỏng, mắt mờ thì được kéo vào bờ tu sửa lại và mắt cũng được vẽ lại như ban đầu.
Không chú tâm nhiều tới tính tâm linh của chủ ghe, thuyền, khách du lịch lại đặc biệt quan tâm tới vẻ đẹp và sự đa dạng của những con mắt thuyền, ghe, nhất là khách du lịch phương Tây. Với họ, con mắt thuyền mang vẻ huyền bí Việt, là nét riêng kích thích trí tưởng tượng của du khách. Khi tham quan các chợ nổi, du khách chú ý tới hàng loạt ghe, thuyền san sát nhau, mỗi ghe đều mang một đôi mắt với hình thù khác nhau và con mắt trên chiếc ghe Việt đã đi vào cẩm nang du lịch của nhiều hãng lữ hành.
Ở nước ta, mắt ghe được vẽ hai bên mũi ghe rất đa dạng, đủ kiểu loại nhưng có chung đặc điểm là trông rất hiền lành. Căn cứ vào hình dáng, màu sắc của mắt ghe ta có thể biết được xuất xứ cũng như phạm vi hoạt động của ghe bè từng vùng.
- Mắt ghe (thuyền) từ Bà Rịa - Vũng Tàu trở ra phía Bắc có đặc điểm chung là mắt nhỏ, đuôi mắt dài, tròng sơn đen trên nhãn cầu màu trắng, mang ghe dài. Ghe lưới vùng Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu, mắt tròn, hơi dẹt có vẽ hình âm dương giữa thân ghe. Ghe bầu Mũi Né (Bình Thuận) mắt dẹt, dài, đuôi tròng nhọn về phía sau.
- Ghe câu Bình Thuận mắt rất dẹt, bầu, hơi cong và nổi bật. Ghe giã Bình Định có mắt dẹt, dài, tròng hình thoi dẹt và chiếm đều ở giữa mắt, đuôi mắt nhọn. Ghe bầu Quảng Ngãi có mang ghe lớn, mắt thon dài, tròng thoi sát về phía trước.
- Ghe câu Hội An (Quảng Nam) mắt dẹt, dài, tròng thoi sát về phía trước, trong khi ghe trương ở vùng này lại có mắt bầu tròn, hơi dẹt gần giống mắt ghe ở Nam Bộ. Ghe mành vùng hạ lưu sông Hồng có mắt to, chạm gỗ, sơn đỏ hoặc đen.
- Mắt ghe từ TP Hồ Chí Minh đến Kiên Giang cùng chung đặc điểm là mắt tròn, tròng đen, nhãn trắng, mang ghe được trang trí nhiều kiểu dáng khác nhau với đường viền trắng chạy chung quanh. Nổi tiếng nhất ở miền Tây Nam Bộ là trường phái đóng ghe Cần Đước (Long An) hoạt động từ cuối thế kỷ 19 đến nay.
Nơi đây chuyên đóng các loại ghe lớn, chạy nhanh, chở khỏe và dáng đẹp, ghe có mũi nhọn dựng cao, sơn màu đỏ tươi, lườn sơn màu xanh, mắt vẽ tròn xoe, tròng đen to choán gần hết con mắt. Ghe ở Cà Mau nhãn và tròng hình thoi dẹp, đầu mắt nhọn, thường được vẽ hơn là chạm gỗ, một số mắt có tròng gần như hình tam giác đều có góc tròn, nhất là những chiếc vỏ lãi bằng nhựa composite.
Nhìn chung, sự khác biệt về hình dáng, màu sắc, đường nét của các con mắt ghe, thuyền ở từng vùng miền là do thị hiếu thẩm mỹ, trình độ tay nghề của những người thợ đóng ghe, thuyền và phong cách này cũng mang tính ổn định. Mắt ghe, thuyền sẽ được trang trí lại sau một thời gian sử dụng.
Con mắt lấp lánh trên sóng mang khát vọng về chuyến hải hành bình yên, mang niềm tin vào bến bờ đang đợi chờ, mang một nét thơ trong cuộc đời của những chiếc ghe, chiếc thuyền và cũng là cuộc đời của những người dân quanh năm gắn bó với sông nước.
Theo Báo Lâm Đồng, Báo Cà Mau
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét