Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Lên đỉnh Hải Vân xem Tây đi bụi

(VNN) - Buôn bán bây giờ trên đỉnh đèo Hải Vân không còn sầm uất như thời chưa có hầm đường bộ, nhưng vẫn sống được nhờ những đoàn Tây ba lô du lịch bụi. Nhiều khách Việt cũng quyết lên đỉnh ngắm cảnh khiến nơi đây đỡ cô quạnh.

Chợ đặc sản giữa đỉnh đèo mây

Theo chân đoàn khách tây ba lô vượt đèo Hải Vân bằng xe máy, chưa đầy 15 phút xe vượt qua những khúc cua tử thần và đột ngột chuyển độ cao, chúng tôi đặt chân lên đỉnh đèo Hải Vân - nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

< Khung cảnh tuyệt đẹp trên đỉnh đèo mây Hải Vân quan khiến từng đoàn khách tây ba lô lũ lượt kéo nhau lên chụp ảnh, ngắm cảnh.

Giữa ngã ba ấy là khu phố nhỏ kinh doanh nằm san sát nhau theo hình vòng tròn, nép vào vách núi, với cơ man nào là hàng quà lưu niệm và đặc sản hai miền: Từ những bức tượng nhỏ bằng đá hay gỗ quí hiếm, đến vòng chuỗi hạt cườm lớn nhỏ sáng long lanh có giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng.

< Đoàn khách Tây lên Hải Vân quan để ngắm trời mây và uống cà phê sáng.

Cậu bạn người Anh đi cùng bảo, anh đã có hơn 10 năm sống tại Đà Nẵng. Mỗi chiều cuối tuần, anh làm hướng dẫn viên miễn phí cho những khách du lịch bụi đồng hương đến Đà Nẵng vượt đèo Hải Vân ngắm cảnh chụp hình danh thắng quốc gia ở đỉnh đèo này.

< Buôn bán ế ẩm vì chặt chém. Khách du lịch không dám mua, ông chủ quán ngồi nghếch chân lên ghế ngắm trời mây giữa đỉnh đèo.

“Mấy loại hàng lưu niệm giá bèo bày bán trên đỉnh đèo chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc, đừng mua.

Nếu muốn, nên mua các loại đặc sản khô. Nhưng họ bán giá trên trời với khách Tây nên mình ít khi đưa đồng hương ghé vào quán vì sợ chặt chém” - chàng trai tây ba lô nói tiếng Việt lơ lớ.

Cầm bức tượng đá nhỏ trên tay hỏi giá, chị chủ hàng tên N. hét giá 1 triệu đồng. Cũng bức tượng đá tượng tự tại làng đã mỹ nghệ Non Nước ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng giá chưa quá 50.000 đồng.

Cầm bức tượng và trả 100.000 đồng, chị chủ quán tên N. nhăn mặt bảo: “Chú trả thêm mở hàng cho chị”. Tôi lắc đầu từ chối bỏ đi, lập tức chị chủ quán chạy theo níu áo “thôim chị bán rẻ cho chú mở hàng lấy hên”.

Xem Tây du lịch bụi giữa đỉnh trời mây

< Khách trèo lên di tích chiến tranh để chụp ảnh kỷ niệm.

Khi hầm đường bộ được đưa vào sử dụng ngày 5/6/2005, con đường vượt đèo Hải Vân không còn tấp nập như xưa nên các hàng quán co cụm lại bên vách núi theo hình vòng cung giữa đỉnh đèo. Quán chủ yếu bán hàng lưu niệm, đặc sản và nước uống cho du khách mạo hiểm vượt đèo.
Thỉnh thoảng mới có vài đoàn khách vượt đèo mua chai nước, ít bánh kẹo..., vì thế, buôn bán ở đây khá ế ẩm.

< Bán hàng rong cho khách tây nơi đỉnh Hải Vân. Tây thôi, dân phượt ta không ai mời mọc gì đâu!

“Nhiều quán chặt chém, khách không dám mua. Khách vượt đèo chủ yếu là khách ba lô đi bụi nên chẳn có nhiều tiền.

Khách tây cũng vậy, họ lên đây bằng xe máy, nước và đồ ăn họ thường mang theo. Lên đèo chủ yếu là ngắm cảnh và chụp ảnh, thăm các di tích Hải Vân quan rồi về”, chị Nguyễn Thị N. - một người bán rong, kể.

< Cũng nơi đỉnh đèo này, các đôi trai gái kéo nhau lên chụp ảnh cưới.

Đưa tay chỉ sang bên cửa di tích Hải Vân quan xây bằng gạch rêu phong nằm sừng sững giữa trời mây, chị Lê Thị L. bảo: “Khách lên đây chủ yếu là mua đồ khô đặc sản cá mực các loại. Còn hàng lưu niệm chẳng có chi”.

Mặc dù là điểm du lịch hấp dẫn, nhưng ngay trên khu di tích cũng chẳng có người hướng dẫn. Du khách vô tư leo trèo trên các di tích giữa núi đá cao vòi vọi để chụp ảnh, rất nguy hiểm. Thậm chí bảng hướng dẫn di tích cũng không có, mặc do khách tha hồ suy tưởng về di tích đặc biệt trên đỉnh đèo mây này.

Theo Vũ Trung (Vietnamnet)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét