(VNE) - Nếu lỡ lịch trình định sẵn, hay chủ ý sắp xếp để di chuyển vào ban đêm, bạn luôn cần thuộc nằm lòng một số mẹo để giữ an toàn cho mọi thành viên trong đoàn.
Mỗi điểm đến với những cung đường, địa hình khác nhau, nên bạn cần lường trước những tình huống xảy ra ngoài ý muốn.
- Lịch trình và thành viên
Điều đầu tiên là cần lên kỹ lịch trình, số thành viên trong đoàn, và tìm hiểu cung đường, địa hình để tránh bị lạc khi di chuyển trong đêm.
Cung đường lập cần dễ đi và đảm bảo không quá dốc, vắng người, đường hẹp và nguy hiểm, sụt lún, có nhiều ổ voi, ổ gà. Không lập đoàn quá đông gây khó kiểm soát, đảm bảo kỷ luật, an toàn cho mọi thành viên. Trưởng đoàn phải là người có nhiều kinh nghiệm, nắm rõ lịch trình, đường đi và có khả năng kiểm soát, dẫn đoàn.
- Hành trang
Trước khi khởi hành cần kiểm tra xe và mang theo các dụng cụ sửa chữa gọn nhẹ. Kính trắng, kính bảo hộ lao động rất cần thiết tránh mưa, bụi, sương đêm và các loại côn trùng xuất hiện trên đường, nhất là khi chúng bị thu hút bởi ánh đèn sáng từ xe bạn.
Ngoài ra, những đồ dùng cần thiết phải có trên đường du lịch cho bất kỳ ai là bộ đồ sơ cứu, dao kéo đa năng, áo mưa, găng tay, khẩu trang, giầy, khăn, giấy tờ tùy thân, đồ dùng vệ sinh cá nhân và quần áo phù hợp.
Đặt chỗ ngủ đêm trước hoặc mang theo đủ lều bạt, tránh ngủ ngoài đường rất nguy hiểm khi xe cộ qua lại. Dulichgo
- Tập trung
Rừng núi ban ngày cuốn hút với vẻ đẹp hùng vĩ, nhưng về đêm khung cảnh đó lại hoàn toàn khác, mang lại cho bạn những cảm xúc trái ngược. Trước mắt bạn là con đường dài hun hút dưới ánh đèn pha chỉ 3-5 m. Hai bên là một màu đen tĩnh mịch. Đằng sau là con đường dài hun hút cùng với tiếng gió rít, thi thoảng tiếng ếch ì oạp lẫn tiếng động cơ xe máy trong đêm. Bạn có thể sẽ hơi lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, hãy nhanh chóng chấn tĩnh, tập trung cao độ để xử lý tình huống và kiểm soát tình hình.
- Tốc độ và kỷ luật
Khi phượt buổi tối, cần dán phản quang cho xe và thống nhất cách dán để các thành viên dễ dàng nhận ra nhau. Đi với vận tốc tối đa 30km/h, không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách. Luôn chờ các thành viên khác và có sự kiểm soát tốc độ, giữ liên lạc giữa các xe với nhau. Mỗi khúc cua, đổ đèo, giảm tốc, về số, lên số theo độ dốc, đều đặn tay ga, tay phanh. Không tự động tụt sau chốt, tự ý bẻ cung hay tách đoàn mà không báo trước.
Ở đoạn núi dốc, không nên đi vào mép đường phía chân núi, tránh trơn trượt do bám rêu. Cây cỏ và sỏi đá cũng có thể khiến lệch tay lái và ngã xe. Khi chuẩn bị cua, rẽ nên bật đèn xin nhan để các xe sau cùng đoàn có thể đi theo và không mất phương hướng. Khi cần dừng xe, nên bật máy và xin nhan về lề đường.
Đoạn đường có sương mù, đá sỏi cản trở tầm nhìn, đường đang thi công, nên đi với tốc độ dưới 20km/h để đảm bảo xử lý tình huống kịp thời. Giữ khoảng cách xa hơn với xe chạy phía trước. Nếu đi đường núi, bạn cần chuyển chế độ đèn pha sang chiếu gần nếu có xe chạy ngược chiều và trước mặt.
- Xử lý tình huống
Mặc dù bạn đã xem đường đi, và thuộc lòng chi tiết về vùng đất đó, nhưng vào ban đêm dễ bị mất phương hướng. Lúc này, bản đồ, la bàn, biển chỉ dẫn trên đường và tra cứu GPS trên điện thoại thông mình sẽ phát huy tác dụng. Nếu gặp sự cố cần báo hiệu cho người khác, bạn sẽ rất cần có một chiếc đèn pin, bật lửa, hộp diêm.
Di chuyển trong đêm cần sự tập trung cao độ nên để tránh mệt mỏi, một chút lương thực và nước uống sẽ cần thiết để nạp năng lượng cho cơ thể, có những quyết định, phán đoán sáng suốt hơn. Dulichgo
Điều quan trọng nhất là cần lắng nghe tình trạng sức khỏe của bản thân. Nếu đang mệt mỏi, không tỉnh táo, nên chuyển cho người bạn đồng hành cầm lái để giữ an toàn, vui vẻ trong suốt chuyến đi.
Theo Quế Lan (Vnexpress)
Du lịch, GO!
Kinh nghiệm lái xe máy trong đêm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét