Ngày 28/4 tới đây, Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng sẽ tổ chức lễ thông xe công trình khôi phục, cải tạo QL 20, đoạn từ Dầu Giây (Đồng Nai) đi Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài khoảng 109,5km. Giờ đây, đi ô tô từ TP HCM đi TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ còn 5 giờ giảm gần nửa thời gian với trước đây.
Về đích sớm, tiện lợi đủ đường
Để sớm hoàn thành dự án khôi phục, cải tạo QL 20, chủ đầu tư và nhà thầu đã gấp rút triển khai nhiều mũi thi công, tập trung thiết bị, nhân lực tranh thủ thời tiết thuận lợi thảm nhựa cả ban đêm để đưa tiến độ dự án về đích sớm 7 tháng.
Sáng 22/4, chúng tôi đi dọc tuyến QL20 đoạn từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ngồi trên ô tô, cảm nhận rất rõ sự êm thuận của tuyến đường đã được thảm nhựa. Trước đó, tuyến đường này khá chật hẹp, phương tiện qua lại khó khăn do các nhà thầu đang thi công. Tuy nhiên, đến nay đường trải dài tăm tắp như một thảm lụa, nhiều đoạn uốn lượn quanh những cánh rừng, vườn cây ăn trái tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt.
Nhiều du khách từ TP HCM đi Đà Lạt không khỏi ngạc nhiên, thích thú với sự đổi thay của tuyến đường từng một thời “gian nan” này. Anh Lên Thành Tâm, một hướng dẫn viên du lịch của TP HCM cho biết, anh vừa hoàn thành chuyến đi chụp hình ở những góc đẹp của tuyến đường này, phục vụ việc quảng bá cho du khách từ TP HCM đến Đà Lạt chiêm ngưỡng thêm sự hấp dẫn trên đường đến với thành phố mộng mơ.
Đứng trước nhà “ngắm nghía” tuyến đường đẹp, ông Nguyễn Đức Bình, ở xã Gia Tân (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) phấn khởi: “Trước đây QL20 xuống cấp trầm trọng, đường đầy ổ voi, ổ gà sình lầy khi mưa xuống nên việc đi lại của người dân rất vất vả. Đến nay đường đã được trải nhựa phẳng lì, người dân đi lại thuận lợi hơn, chúng tôi vui mừng, phấn khởi hơn bao giờ hết…”.
Anh Nguyễn Đức Tuấn, một tài xế xe tải trú tại quận Thủ Đức, TP HCM tâm sự: “Tôi thường xuyên chở hàng lên/xuống Đà Lạt, trước đây do đường xấu phải mất hơn 8 giờ đồng hồ mới đến nơi. Việc này tốn rất nhiều chi phí xăng dầu, hao mòn phương tiện. Nay QL20 đã được sửa chữa êm thuận nên hành trình đã được rút ngắn chỉ còn khoảng hơn 5 giờ đi xe, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí. Kể cả phải mua phí ở đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thì chi phí vẫn thấp hơn so với trước đây không phải mua phí. Hiệu quả nhất là xe ít hao mòn hơn… Dulichgo
Thi công “vượt nắng, thắng mưa”
Ông Đỗ Ngọc Dũng, TGĐ Công ty CP BT20 - Cửu Long cho biết, tuyến dự án chạy dài, mặt bằng thi công chật hẹp, thời tiết khu vực không thuận lợi, mưa nhiều, kéo dài, vừa thi công vừa phải đảm bảo ATGT thông suốt 24/24h nên gặp rất nhiều khó khăn. Toàn tuyến dài hơn 109,5km có bốn cầu phải xây mới, trong đó cầu La Ngà bắc qua sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) thuộc gói thầu XL.05, đơn vị thi công là Công ty TNHH SX TM-DV Đông Mê Kông đã thực hiện tốt.
Tuy cây cầu có chiều dài chỉ 330m nhưng đây được xem là điểm “găng” của dự án và đã về đích. Ông Dũng khẳng định: “Dự án sớm đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian lưu thông trên đường, đã tiết kiệm được kinh phí và tăng hiệu quả đầu tư của dự án. Tính hiệu quả và tính đúng đắn của chủ trương huy động vốn của Chính phủ là tiền đề để tiếp tục hợp tác, phát triển ở các dự án tiếp theo…”.
Ông Nguyễn Bá Hồng, Chỉ huy trưởng thi công cầu La Ngà cho biết, khu vực thi công cầu nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Trị An nên gặp vô vàn khó khăn như: Việc tích nước lòng hồ để phục vụ thủy điện với thời gian ngắn nên mực nước thi công thay đổi liên tục, khó lường; mực nước thấp nhất và cao nhất chênh hàng chục mét làm chiều cao cừ larsen vòng vây các trụ cũng chênh nhau. Tuy nhiên, để khắc phục những khó khăn trên các đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, thiết bị, tập trung nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ. Trong thời gian cao điểm, đơn vị phải bố trí 11 mũi thi công đồng loạt ba ca liên tục…
Ông Dũng cho biết thêm, với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Bộ GTVT và các ban, ngành, sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng trong công tác GPMB và quyết tâm cao của nhà đầu tư và Ban QLDA 7, đây là vấn đề then chốt cho việc dự án hoàn thành sớm so với kế hoạch. Sau khi dự án hoàn thành, ngoài việc giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, thời gian đi lại được rút ngắn, tuyến đường này còn giữ vai trò then chốt trong việc vận chuyển phát triển bền vững của cụm sản xuất công nghiệp nhôm alumin khu vực Tây Nguyên.
Dự án khôi phục, cải tạo QL20 theo hình thức BT được khởi công ngày 23/12/2011 với tổng số vốn là 5.264,634 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 601,463 tỷ đồng (tương ứng 11,42% tổng mức đầu tư). Phần còn lại là vốn vay tín dụng nước ngoài với 250 triệu USD với nhóm ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế do Ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) làm đại diện.
Dự án có điểm đầu là ngã ba Dầu Giây tại Km0+00 của QL20 (giao QL1 tại Km1832+400), thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối dự án là Km123+105,17 của QL20 (giao với đường tỉnh 725) thuộc địa phận TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài dự án là khoảng 109,5km.
Theo Báo Giao Thông
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét