Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Khám phá một Sa Pa ở Hòa Bình

(TTO) - Cách Hà Nội hơn 130km, khu Lũng Vân, Nam Sơn và Bắc Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) được nhiều du khách xem như một phiên bản của Sa Pa.R

Từ Hà Nội, đón xe khách ở bến Mỹ Đình, theo quốc lộ 6 qua thị trấn Mường Khến, Tân Lạc, đến ngã ba Lồ rồi ngồi xe ôm thêm khoảng 15-20km. Nhưng cũng cung đường này, chúng tôi lên xe máy để khám phá vùng đất này vào hai ngày cuối tuần.

Được xem là phiên bản mới của Sa Pa bởi nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ cùng vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ.

Đi tìm Sa Pa mới

Vừa rẽ trái tại ngã ba Lồ trên quốc lộ 6, cảnh sắc thanh bình đã dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Những con đường nhựa uốn lượn men theo triền núi, bên các thửa ruộng xanh ngắt chạy tít tới tận chân núi. Xa xa, thấp thoáng vài mái nhà lá, nhà sàn đơn sơ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có đến 63% dân số tỉnh Hòa Bình là người Mường với bốn nhánh lớn là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động. Và lên đến huyện vùng cao Tân Lạc, con số đó là 80-90%.

Đi được vài kilômet thì con đường đèo dốc bắt đầu xuất hiện. Những khúc cua tay áo với gấp độ dốc lớn, phải vững tay lái và vất vả lắm mới chinh phục được. Bù lại là những cảnh đẹp tuyệt sắc hai bên đường. Những cung đường nhựa hẹp, uốn lượn và hầu như vắng bóng người qua lại.

Xa xa dưới thung lũng là một màu xanh ngút ngàn của những thửa ruộng bậc thang. Không dày đặc và hùng vĩ như ở Mù Cang Chải, Yên Bái hay Sa Pa, Lào Cai, ruộng bậc thang ở Lũng Vân thoai thoải với vẻ bình dị và mang những nét đẹp riêng, cứ dần dần chạy từ chân thung lũng lên đến sườn núi, phía trên là những mái nhà sàn đơn sơ của người Mường.

Đến quá trưa, nhóm chúng tôi cũng tới được trung tâm xã Lũng Vân nằm ở ngã ba đường. Đang phân vân không biết sẽ đi tiếp hướng nào, chúng tôi được ông Hà Tiến Phúc - một người Mường bản địa - hướng dẫn: “Các cậu đi thẳng sẽ tới xã Bắc Sơn, nơi được ví như nóc nhà của người Mường đất Tân Lạc. Còn nếu rẽ trái sẽ tới xã Nam Sơn rồi đi thẳng qua đỉnh Phù Luông sẽ sang bên đất Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa”.

Nơi chúng tôi đang đứng ở dưới một lòng chảo tương đối bằng phẳng, giữa bốn bề là núi. Dù giữa nắng gắt ban trưa nhưng ai cũng cảm thấy lành lạnh và phải mặc áo rét dự phòng. Mấy em bé Mường cười khúc khích bên khung cửa sổ nhà sàn nhìn nhóm người lạ chúng tôi rồi thẹn thùng chạy vào trong. Thiên nhiên đã ban tặng nơi này cảnh sắc và khí hậu tuyệt vời để những nóc nhà Mường bao đời tồn tại bình yên. Điều kỳ diệu về thời tiết ở Lũng Vân là những ngày nắng rất ít ỏi. Quanh năm cả vùng đất này đều chìm trong sương mù cùng những đám mây bồng bềnh.

Qua nóc nhà của người Mường

Tạm biệt Lũng Vân - thung lũng của mây, chúng tôi tiếp tục cho xe leo dốc theo hai ngả mà ông Phúc đã chỉ dẫn. Đường lên Bắc Sơn ngày càng khó khăn và đèo dốc liên tục. Nếu Lũng Vân nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển thì điểm cao nhất của Bắc Sơn và Nam Sơn lên tới 1.400-1.500m. Chính vì vậy mà từ lâu những điểm vùng cao ở hai xã này đã trở thành nóc nhà của người Mường đất Hòa Bình.

Nhà dân mà chúng tôi bắt gặp ven đường ngày càng thưa thớt. Cuộc sống của người Mường heo hút chốn rẻo cao này quanh năm nghèo khó. Nhiều mái nhà tường được đắp bằng đất, lợp lá cây rừng với hàng rào hoa ngũ sắc.

Đứng trên một mỏm núi thuộc địa phận xã Bắc Sơn, chúng tôi thu vào tầm mắt được toàn cảnh một vùng thung lũng rộng lớn. Những con đường giờ chỉ còn như một vệt chỉ uốn lượn chạy men theo núi. Ruộng bậc thang với những mái nhà đơn sơ cứ mờ mờ ảo ảo hiện ra trong làn sương mù.

Điểm vùng cao của xã Nam Sơn tiếp giáp với huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đứng ở đây có thể nhìn thấy đỉnh Phù Luông cao 1.700m so với mực nước biển.

Trên điểm cao ở xã Nam Sơn nhìn xuống Lũng Vân vào những ngày nhiều mây sẽ bắt gặp một cảnh tượng kỳ vĩ. Những đám mây trắng bồng bềnh ôm ấp lấy các quả núi tạo thành một biển mây chốn núi rừng. Ông Đinh Văn Lược, 82 tuổi, ở xã Nam Sơn, bảo rằng người Mường ở đây gọi chốn này là “thiên bồng tiên cảnh”. Ông bảo các cháu đã đi qua vùng đất cao nhất của xứ này rồi đấy.

Trên những điểm cao hẻo lánh nhất xứ Mường ở Nam Sơn, Bắc Sơn này, cuộc sống của người dân hầu hết là tự cung tự cấp. Nếu ai muốn qua đêm ở vùng này sẽ khám phá nhiều điều thú vị. Có thể xin gia chủ cho ngủ nhờ trong nhà sàn, dùng cơm lam, cá suối trong bữa ăn. Đặc biệt, nếu may mắn bạn có thể được thưởng thức món da bò cuốn đậu phộng luộc chấm với nước tương. Đây là món ăn độc đáo của người Mường vùng Tân Lạc và họ chỉ làm khi có việc quan trọng như đám cưới, lễ hội.

Hướng dẫn thêm:

Để có chuyến hành trình khám phá những vùng cao ở Tân Lạc bằng xe máy, bạn trẻ cần lưu ý:

- Phải đổ đầy xăng xe trước bởi vì các xã vùng cao rất hiếm cây xăng. Phải mang theo đồ ăn nhẹ bởi ở đây không có quán ăn và rất hiếm cửa hàng tạp hóa, bánh kẹo. Ủng đi mưa, áo mưa và túi chống nước cho máy ảnh là thứ không thể thiếu trong balô vì rất nhiều ngày trong năm nơi đây chìm trong sương mù và mưa phùn.

- Cần trang bị kiến thức văn hóa (đặc biệt là một số phong tục, tập quán của người Mường), địa lý để tiến hành chuyến khám phá, bởi dịch vụ du lịch chưa phát triển ở vùng này.

Theo Hải Dương (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Trên đỉnh Lũng Vân
Đêm trên nóc nhà Lũng Vân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét