Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Về An Hoạch mà 'say'...

(VH&ĐS) - Không “say” sao được khi cụm di tích núi An Hoạch quy tụ đến 4 loại công trình: Lăng, đền, chùa, núi có giá trị trên nhiều phương diện: Lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc đá nổi tiếng của xứ Thanh. Về đây, không vấn vương, không nhung nhớ mới lạ.

< Đền Thượng (hay còn gọi là chùa Hinh Sơn, chùa Tiên Sơn, chùa Quán Thánh...), nằm ở sườn phía đông núi An Hoạch.

Cụm di tích núi An Hoạch (núi Nhồi) thuộc phường An Hoạch (T.P Thanh Hóa), đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VH, TT&DL) công nhận là di tích nghệ thuật thắng cảnh cấp quốc gia ngày 14/08/1992. Cụm di tích này gồm: Núi Vọng Phu, chùa Tiên Sơn (còn gọi là chùa Quan Thánh), chùa Hinh Sơn, đền Đình Thượng và lăng Quận Mãn.

< Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi.

Núi Vọng Phu - cái tên nghe đã quen, mang dáng dấp của câu chuyện về người vợ chờ chồng mà hóa đá. Sau nàng Tô Thị ở vùng núi Lạng Sơn và ở ven biển Bình Định, hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa cũng được tồn tại với một truyền thuyết đầy tính giáo dục. Núi cao hơn 100 m, chu vi khoảng 4000 m. Núi Vọng Phu cũng chính là điểm nhấn của cụm di tích núi An Hoạch. Nhìn gần, hòn Vọng Phu đẹp với giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật. Nhìn xa, vẫn ẩn chứa ở đó cái cảm giác cô đơn, khiến cho người chiêm ngưỡng cũng chất chứa nỗi lòng.

< Ngôi chùa nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, lọt thỏm trong một vách đá rộng chừng 4m2. Trong động có bức phù điêu rộng khoảng 2,5 mét, cao 1,5 mét khắc chân dung Quan Công, và nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng khác.

Ngay dưới chân núi Vọng Phu là chùa Hinh Sơn, còn gọi là chùa Hang. Chùa có kiến trúc gồm tiền đường, trung đường và hậu cung. Ngay tiền đường có đặt tấm bia “Hinh Sơn cổ tự bi” dựng vào mùa xuân năm đầu vua Kiến Phúc (1884) ghi về việc tu tạo chùa. Ở hậu cung là tượng Khổng Minh được khắc vào vách hang, cao gần 2m. Các pho tượng khác cũng được tạc vào thành vách của hang, các đồ thờ đều được làm ra từ nguồn đá quý.

< Tượng đá ở chùa Tiên Sơn.

Cách núi An Hoạch khoảng 200m theo đường chim bay về phía Đông Bắc, lăng Quận Mãn có thể sẽ khiến cho ai đó giật mình, ngạc nhiên khi dừng chân ở đây. Giật mình cũng đúng thôi, vì tại lăng Quận Mãn có sự hiện diện của 11 pho tượng đứng sừng sững, đối diện nhau. Ngoài ra còn rất nhiều bia đá, voi đá. Và ngay dưới chân núi An Hoạch về phía Đông, chùa Tiên Sơn còn lưu rất nhiều bức phù điêu quý, khắc các tượng Quan Đế, Chu Xương… Đồng thời, chùa còn là nơi tổ chức hội nghị bí mật của đại biểu toàn tỉnh, bầu ra Ban Chấp hành tỉnh bộ chính thức của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội vào tháng 4/1928.

< Làng đá dưới chân núi.

Về núi An Hoạch, về đất An Hoạch không thể không nhắc tới ông tổ của nghề đá, cũng là thành hoàng của làng và đền Thượng - trung tâm văn hóa và tế lễ của nhân dân địa phương. Theo văn bia “An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký” thì đền được xây dựng do Lý Thường Kiệt nhân một lần đi thăm vùng An Hoạch (núi Nhồi), đã tìm được ra loại đá “sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt”, đánh lên thì  tiếng ngân muôn dặm, dùng làm văn bia, văn chương. Chính vì vậy đã tạo nên một nghề mới - nghề chạm khắc đá cho nhân dân trong vùng.

< Hoàng hôn buông trên núi Vọng Phu...

Tất cả những di tích, thắng cảnh trên đều được phân bố quanh núi An Hoạch, đã tạo nên cụm di tích nghệ thuật thắng cảnh núi An Hoạch có giá trị trên nhiều phương diện. Dẫu vậy, do đi qua lớp bụi thời gian nên cũng không tránh khỏi sự xuống cấp ở một số di tích. Cũng đã 20 năm kể từ khi cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, nên chăng cũng cần nhìn lại sự kiện quan trọng và ý nghĩa này để sớm có sự tu bổ, nâng cấp, góp phần làm nên một điểm đến du lịch hấp dẫn hơn. Về núi An Hoạch không chỉ để ngắm, để nhìn, mà sẽ còn khám phá được rất nhiều điều bí ẩn đằng sau đó…
Về núi An Hoạch chưa “say”, chưa về.

Theo Văn Hóa & Đời Sống, Vnexpress
Du lịch, GO!

Đá làng Nhồi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét