Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Đi chợ Lào ở cửa khẩu Lóng Sập

(VNE) - Chợ mở cửa cả ngày lẫn đêm và không bày bán nhiều sản phẩm đặc trưng nhưng vẫn hấp dẫn các đoàn khách qua lại, đặc biệt vào các ngày nghỉ và lễ lớn.

< Bức tranh thiên nhiên đẹp tựa tranh vẽ trên đường tới cửa khẩu Lóng Sập.

Cao nguyên Mộc Châu nằm tại tỉnh Sơn La, miền đất nổi tiếng ở Việt Nam với những đồi chè xanh ngút ngàn, cánh đồng cải trắng miên man... Khách du lịch tới Mộc Châu thường ghé thăm thác Dải Yếm từ ngã ba phía cuối thị trấn. Dân bản địa hay gọi ngã ba này với cái tên Lóng Sập vì chỉ cần chạy theo con đường nối thẳng là du khách có thể tới được cửa khẩu Lóng Sập và thác Dải Yếm chỉ là một điểm dừng mà con đường này cắt ngang.

Với chiều dài chừng 35 km, quãng đường nhỏ hẹp này đi xuyên qua một loạt các xã như Mường Sang, Đông Sang, Chiềng Ve,... của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Băng qua những đoạn đường cong nhỏ hẹp với hai bên là núi đồi cùng bức tranh thiên nhiên đẹp tựa tranh vẽ, du khách sẽ tới được điểm cuối cùng là cửa khẩu Lóng Sập để chuẩn bị bước sang đất Lào, đi sâu vào khu chợ nằm sát biên giới.

Chợ Lào ở cửa khẩu Lóng Sập cách chốt biên phòng chừng 30 phút đi bộ. Ngày nghỉ cũng như ngày thường nơi đây đều tấp nập người qua lại. Khách đến chợ chủ yếu là người dân tộc sát biên giới hai nước và du khách phương xa, đặc biệt vào những ngày nghỉ, số lượng này có phần tăng lên. Từ Việt Nam, du khách chỉ cần làm một vài thủ tục đơn giản là có thể bước qua đất bạn, ghé thăm và mua sắm.

Những gian hàng dựng từ vài thanh tre và bạt là đặc trưng của khu chợ Lào trên biên giới Lóng Sập. Chỉ rộng chừng 400 m2 nên các gian hàng được xếp san sát nhau cộng thêm người mua dừng chân qua lại khiến nơi này càng trở nên tấp nập.

Vì nằm hẳn về địa phận của nước bạn nên người bán tại khu chợ này đa số là người Lào với trang phục truyền thống đặc trưng. Tuy nhiên đâu đó vẫn có những gian hàng của người Việt Nam mà nếu tinh ý du khách vẫn có thể nhận ra.

Chỉ mất chừng vài phút là đã đi hết khu chợ nhỏ bé. Hàng hóa được bày bán ở đây không phong phú và đa dạng nhưng được phân khu rõ ràng và mang đậm nét đặc trưng vốn có của người Lào. Từ phía con dốc Việt Nam tiến về đầu chợ là những nông dân bán dưa và dừa. Tiếp gần đó là những gian bán băng đĩa với tiếng nhạc Lào mở lớn phát ra từ loa. Suốt dọc đường chính xuyên qua chợ là những gian hàng bán đồ nướng nằm xen kẽ. Mùi thơm từ những xiên chân gà và cá khiến ai ấy đều muốn ăn thử một lần cho biết vị của ẩm thực Lào.

< Một góc tấp nập của chợ Lào.

Men theo một lối nhỏ rẽ lên khu dốc trên của khu chợ là du khách tới được nơi bán các thực phẩm truyền thống và đồ gia dụng. Một vài gian bày bánh kẹo với nhãn mác của Lào, một vài gian bán dao kéo và một số dụng cụ phục vụ việc nhà nông. Đâu đó là vài gian hàng treo lên những túi bóng kính trắng, bên trong là thứ nước màu xanh đỏ bắt mắt hay món nộm cùng vài món hệt như hủ tiếu của Việt Nam. Nếu như còn đang khó chịu vì vị ngấy của xiên chân gà còn sót lại, khách có thể tiến tới phía nhỏ này để mua thêm một túi nộm đu đủ giã với giá chỉ khoảng 10.000 đồng.

< Một số gian còn làm bảng quảng cáo bằng cả hai ngôn ngữ Việt - Lào.

Chợ Lào ở cửa khẩu Lóng Sập có một nét đặc trưng mà không phải khu chợ nào cũng có. Đó chính là rào cản về ngôn ngữ và bán với giá cao dường như không có sự tồn tại. Người mua chỉ cần nhặt lấy món đồ mình ưng ý và chủ hàng ra hiệu tay là có thể mua bán được nhanh chóng, dễ dàng. Nếu khách chỉ có trong tay tiền Việt hoặc tiền Lào cũng không thành vấn đề vì người bán biết được giá trị và chấp nhận các mệnh giá tiền của hai nước. Thế nên nếu đi lại giữa khu chợ mà chợt cảm thấy đói bụng, khách vẫn có thể dừng lại bên một gian hàng nhỏ của phụ nữ Lào thân thiện, chỉ vào bất kỳ một món ăn nào mình thích và trả tiền theo dấu tay mà không phải lăn tăn vì sợ mua với giá đắt.

Chợ Lào ở cửa khẩu Lóng Sập mở cửa cả ngày lẫn đêm. Nếu có dịp ghé qua đất Mộc Châu, đừng quên đi thêm một vài quãng đường để tới thăm khu chợ nhỏ bé ấy. Không hẳn là một nơi để mua sắm nhưng là một nơi đáng để bạn tìm hiểu một nét văn hóa đặc trưng giữa biên giới của hai nước Việt - Lào.

Theo Diệu Huyền (Vnexpress)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét