Lăng vua Lê Thái Tổ là một quần thể di tích đặc biệt lưu giữ dấu ấn quan trọng về đức Vua - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đập tan quân xâm lược nhà Minh và lập ra triều đại nhà Lê Sơ thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Kiến trúc đơn giản và tôn nghiêm
Nằm cách sân bay Thọ Xuân không xa, lăng vua Lê Thái Tổ (hay còn gọi là Vĩnh Lăng) thuộc quần thể di tích Lam Kinh, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Ngược dòng lịch sử các triều đại phong kiến, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi đất nước thái bình thịnh trị hoặc chiến tranh xảy ra thì việc xây dựng lăng mộ của các vị Vua luôn là vấn đề quan trọng đối với triều đại bởi vì ngoài chức năng là một nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị hoàng đế thì nó còn thể hiện sự tôn nghiêm của bậc quân vương và sự hưng thịnh của vương triều.
Do vậy, các bậc vua chúa đều chú trọng xây dựng lăng mộ cho mình ngay khi vừa mới lên ngôi với quy mô rất tráng lệ, uy nghi, lộng lẫy. Tuy nhiên, đối với vua Lê Thái Tổ, một vị Vua xuất thân áo vải thì lăng mộ hết sức giản dị.
Về bố cục, điều đặc biệt nhất của Vĩnh Lăng là không xây thành lăng mộ giống như các lăng tẩm của vua chúa khác mà được xây dựng thành hình gần vuông, mỗi cạnh là 4,43m x 4,46m, cao 1m, xây bằng gạch vồn xếp khít mạch và không trát. Phía mặt trên lăng để cỏ mọc chứ không lợp thành mái. Phía trước của lăng, hai bên có quan hầu và bốn đôi tượng giống đối nhau.
Theo thứ tự tính từ mộ ra, bên trái quan văn, bên phải quan võ, đến tượng nghê, ngựa, tê giác và hổ. Về hình thức, các bức tượng đều bằng đá và được chạm khắc mềm mại, đơn giản. Đến năm 1933, nhân dân địa phương cung tiến thêm 4 voi chầu đắp bằng gạch và vôi vữa.
Hòa hợp với thiên nhiên
Địa thế Vĩnh Lăng được xây dựng ngay phía sau cung điện Lam Kinh, trên một vùng đất rộng và cao ráo giống như hình mai rùa, phía trước có núi Chúa, phía sau có núi Dầu, hai bên đều có núi, đối diện có sông. Xung quanh lăng mộ là những loại cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi như sưa, đa, lim, đại, bồ đề, ổi…
Bố cục độc đáo, riêng có của Vĩnh Lăng thể hiện sự khiêm nhường, giản dị và hòa hợp với thiên nhiên của Hoàng đế Lê Thái Tổ. Đồng thời, dù rất đơn giản nhưng lại tôn nghiêm, tự nhiên và trang trọng.
Hiện tại, kiến trúc Vĩnh Lăng vẫn giữ được chọn vẹn vẻ đẹp cổ kính và nguyên bản. Quần thể Di tích Lam Kinh, trong đó có Vĩnh Lăng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Năm 2012, khu Di tích này tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đến thăm Vĩnh Lăng, chúng ta không khỏi bất ngờ bởi sự độc đáo trong kiến trúc lăng mộ mà quan trọng hơn, chúng ta thêm hiểu và khâm phục đức tính khiêm nhường, giản dị của một bậc đế vương, một vĩ nhân từng lập nên nhiều chiến công lừng lẫy trong lịch sử như Lê Lợi. Đó cũng chính là những bài học quý giá cho hậu thế noi theo.
Theo Báo Bắc Giang
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét