(VNE) - Khu nhà cổ của chàng công tử nổi tiếng phong lưu khắp Lục tỉnh Nam Kỳ, vườn nhãn và những cánh đồng muối trắng là điểm đến hút khách bậc nhất ở Bạc Liêu.
Từ thời xưa Bạc Liêu đã nổi tiếng là vùng đất trù phú và phì nhiêu. Với 156 km bờ biển và các cửa biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng, Vĩnh Hậu, Bạc Liêu nhanh chóng trở thành nơi trung chuyển lưu thông hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Do gắn liền với tên tuổi chàng Hắc công tử Trần Trinh Huy (công tử Bạc Liêu), nên nhiều người đến vùng đất này thường tò mò tìm đến ngôi nhà xưa của công tử Bạc Liêu đầu tiên.
Theo giai thoại xưa, không một vị công tử cùng thời nào có thể sánh kịp về khả năng tài chính và độ chịu chơi với công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Công tử Bạc Liêu từng gây chấn động cả nước khi đi thăm ruộng bằng máy bay, lúc đó Việt Nam chỉ có hai chiếc, một của Hắc công tử, một của Vua Bảo Đại. Nhiều người còn kể rằng Hắc công tử nổi tiếng vì từng "đốt tiền nấu chè" để tranh sự chú ý của một cô gái.
Khu nhà cổ của gia đình Hắc công tử tọa lạc ở số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, nay trở thành khách sạn Công Tử Bạc Liêu với 6 phòng ngủ. Trong đó, 5 phòng bình thường có giá 250.000 đồng một đêm, còn riêng phòng của Hắc công tử luôn có giá gấp đôi, nhưng thường phải đặt trước vì có rất nhiều người muốn được ở trong căn phòng này. Căn nhà này được xây dựng từ năm 1919, nổi tiếng bề thế nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng với nhiều vật liệu nhập từ Pháp.
Bạc Liêu còn nổi tiếng với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên. Khách du lịch đến vùng đất này luôn tìm cách khám phá những vườn chim, vườn nhãn. Cách thành phố Bạc Liêu 6 km về hướng biển, trên con đường mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là vườn chim Bạc Liêu. Với diện tích khoảng 385 ha, trong đó 19 ha rừng nguyên sinh, đây là nơi cư trú của khoảng 49 loài chim, 109 loài thực vật, 150 loài động vật...
Còn vườn nhãn Bạc Liêu lại chạy dài trên 11 km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Ai cũng biết miền Tây Nam bộ là vùng đất của vườn cây ăn trái và đây là vườn nhãn đặc biệt nhất đồng bằng sông Cửu Long, được gọi với cái tên Vườn nhãn cổ trăm tuổi.
Bước vào vườn, bạn được hái những chùm nhãn thơm ngon và thưởng thức bữa ăn vườn dân dã. Giữa gió mát hiu hiu, ngồi trong vườn ăn món đặc sản, bạn lại còn được nghe những giai điệu đờn ca tài tử có một không hai.
Những tưởng Bạc Liêu chỉ nổi tiếng với chàng công tử, vườn trái cây hay đờn ca tài tử, nhưng một chuyến đi trọn vẹn về miền quê này không thể thiếu những cánh đồng muối trắng xóa. Vốn là nơi cung cấp số lượng muối lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cánh đồng muối là nét đặc thù của tỉnh Bạc Liêu.
Những cánh đồng muối được chia thành từng ô, từng hàng, chạy dài thẳng tắp. Dưới cái nắng gay gắt, diêm dân chăm chú làm việc. Muối kết tinh trong những ô trắng, lấp lánh. Biển Bạc Liêu khá sạch, độ mặn cao nên muối tốt và thu hoạch nhanh. Tận dụng lợi thế này nên người dân ở đây luôn lao động cật lực, lam lũ để cho ra những hạt muối trắng ngần.
Đến Bạc Liêu một ngày mới thấm được cái hồn và sự chân chất của người dân tỉnh miền Tây. Nét văn hóa được gìn giữ trong những khúc hát đờn ca, sự tự do khi những con chim sải cánh trong rừng hay giọt mồ hôi lấm tấm trên trán của diêm dân. Bạn sẽ thấy Bạc Liêu đẹp đến lạ.
Bạc Liêu cách TP HCM khoảng 290 km. Thời gian di chuyển sẽ mất khoảng 5 tiếng. Bạn có thể đi bằng xe khách chất lượng cao. Đến Bạc Liêu, bạn cũng đừng quên tìm thưởng thức ba thức ăn đặc sản là bánh tằm bì, đuông chà là và bánh củ cải.
Theo Thảo Nghi (Vnexpress)
Du lịch, GO!
Về Bạc Liêu ngủ nhà Công tử
0 nhận xét:
Đăng nhận xét