Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Ấn tượng thác Vực Bà

(BQN) - Từ tuyến đường liên xã Bình Minh-Bình An thuộc huyện Bình Sơn rẽ vào xóm Bá Lăng, thôn Mỹ Long (Bình Minh) và tiếp tục hành trình vào núi sẽ gặp thác Vực Bà. Khe nguồn thác nước cùng với câu chuyện dân gian tạo cho nơi đây nét thơ mộng và pha một chút gì tiềm ẩn thần thoại.

< Nguồn thác Vực Bà.

Đầu nguồn thác nước dài đến mấy cây số, rất nhiều khe suối nhỏ hợp thành. Trên đoạn ấy có thác Giê, nước từ trên cao đổ xuống không nhiều, gợi cho người ta cảm giác giống như nhà nông giê thóc. Một bãi rộng mênh mông, vô số những hòn đá cuội, người địa phương gán cho nơi ấy cái tên “sân bay”… Rồi bờ đá đột nhiên cắt ngang dòng chảy tạo nên thác Vực Bà.

Mặc dù rừng phòng hộ không còn nhiều, phần lớn là rừng trồng, nhưng ngay cả khi nắng hạn nhất, thác Vực Bà nước vẫn chảy. Khu vực chính của thác kể từ bờ đá đến vực sâu dài hơn trăm mét, rộng khoảng bốn chục mét có bình độ tương đối. Một không gian nghệ thuật mở ra với những tác phẩm đá do thiên nhiên tạo nên. Về màu sắc có chỗ đá màu đen của năm tháng rêu phong, có chỗ mặt đá trắng và nhẵn thín như ai đó gia công mài giũa thành. Không phải chỉ một tảng mà cả bãi dài nhiều tảng đá trắng trơn như thế.

Về hình thù cũng khá đặc biệt, có đá Muỗng Đường to đồ sộ, bởi nó giống như chiếc muỗng đựng đường của nghề làm đường thủ công Quảng Ngãi trước đây. Rồi những hang, hốc sâu khoét vào những tảng đá to, vừa đẹp, vừa gợi cảm giác tò mò “nước chảy đá mòn” hay thiên nhiên kỳ bí làm nên. Mà nếu nước chảy đá mòn thì trải bao nhiêu năm tháng? Còn bàn tay siêu nhiên tác động vào, phải chăng có liên quan đến tên Vực Bà có từ xa xưa, đến nỗi người già nhất vùng cũng chỉ nghe cha ông mình kể lại. Hai bên vách núi không cao lắm nhưng cheo leo, hiểm trở với những đoạn vách đá xen triền đất, dường như không thấy một dấu tích lở núi nào.

Đứng từ thác nhìn về phía hạ du ta có cảm giác như đi qua một đường hầm dài uốn lượn tít tắp, hai bờ vách rừng xanh ngắt, rồi mở ra trời mây, ruộng, làng. Nước thác Vực Bà chảy vào sông Sau rồi cuối cùng chảy vào sông Trà Bồng. Vào mùa mưa bão thác đổ ầm ầm, âm thanh vang xa vài cây số.

Vào mùa khô nước chảy róc rách triền miên trong không gian tĩnh lặng như tiếng đàn nước. Đẹp ấn tượng là mùa xuân, thác chảy vừa phải, âm thanh khi trầm khi bổng hoà trong nắng gió mùa xuân và hoa rừng đua nở. Tiếng chim rừng mùa nào cũng có, khi gần, khi xa, lúc khoan thai, lúc ríu rít góp phần làm nên nhạc điệu của thác Vực Bà.

Người dân xóm núi Bá Lăng coi Vực Bà là nơi kỳ bí, nơi mạch nguồn của vùng cao khô hạn chỉ biết nhờ nước trời. Câu chuyên thần thoại chưa có lời giải thích là thác có khả năng báo hiệu trời mưa. Người địa phương kể rằng mặc dù trời đang nắng hạn nhưng nếu tối hôm trước mà nghe tiếng thác Vực Bà đổ ầm ầm thì chiều hôm sau nhất định sẽ có mưa giông. Lặp đi lặp lại như thế nên người ta dệt nên câu chuyện thần kỳ rằng có con cá to ngăn dòng nên thác mới đổ như thế và mưa về tưới cho xóm làng, ruộng đồng. Ngày ấy người xóm Bá Lăng hằng năm mang lễ vật vào thác để cúng, có người khơi nguồn xin dẫn nước về tưới hoa màu như sức sống của “Mẹ Nước” siêu nhiên.

Quê hương Bá Lăng ngày nay đã đổi thay nhiều, nông nghiệp vườn rừng phát triển, tình người chân thật. Nguồn nước thác Vực Bà đang được khai thác để tưới cho hầu hết diện tích trong vùng. Vẻ đẹp và những câu chuyện dân gian về thác cùng với bạt ngàn rừng sẽ là nơi khai thác du lịch sinh thái hấp dẫn.

Theo Bùi Văn Tạo (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét