(KTO) - Hơn nửa ngày đường hòa mình trong khoảng trời xanh bao la của đồi ngô, lúa, sắn hay những lúc khom mình lách qua vạt rừng le, rừng thưa… rồi thật sung sướng khi thấy mình đang đứng trước cây cầu treo tre nứa hay trên đỉnh một ngọn núi cao.
< Cầu treo Kon Bãh dài hơn 50m bắt qua sông Đăk B’Từng như một chiếc võng lớn treo lơ lửng giữa rừng xanh.
Khách sẽ cảm nhận những cơn gió mơn man ve vuốt đang thổi từ cánh rừng già xanh thẫm xa xa và ngay bên dưới là dòng Đăk Bla như một chiếc khung tranh màu trắng khổng lồ uốn lượn làm tôn thêm bức tranh thiên nhiên đủ gam màu sống động ấy; đường lên thượng nguồn Đăk Bla thật thi vị vô cùng…
Để lên được thượng nguồn sông Đăk Bla thì có nhiều cung đoạn và đường mòn nhỏ khác nhau… khách có thể bắt đầu từ cầu treo Kon Klor; từ phía sau làng KonJơRi hay từ làng Kon K’tu nhưng có lẽ điểm lý tưởng nhất là xuất phát từ làng Kon K’tu đi ngược lên vì đây là cung đoạn phù hợp nhất cho một ngày dã ngoại vui vẻ mà vẫn còn sức khỏe để cảm nhận hết những điều lí thú đang chờ đợi phía trước…
Men theo con đường nhỏ phía cuối làng đi ngược lên dòng sông đang cuồn cuộn trôi và một bên là vách núi đá thẳng đứng. Khách có thể cảm nhận được hơi lạnh vẫn còn lẩn khuất trong lùm lá chưa tan hay bụi nước được phả lên từ khúc sông đang luồn dưới những tảng đá ngầm làm nước sôi lên tung tóe ngay bên cạnh con đường. Đi khoảng 2km nữa, khách sẽ vượt qua một con suối nhỏ vắt ngang qua đường đang đổ ra sông, trước khi leo lên một con dốc nhỏ.
< Căn chòi nhỏ như một nét chấm phá giữa không gian xanh.
Nhìn sang bên kia đồi là rẫy sắn rộng đến vài héc ta và ngay dưới chân là những thửa ruộng bậc thang mà nguồn nước duy nhất cung cấp cho những thửa ruộng là từ quả đồi ấy. Nhưng có lẽ thú vị nhất là một là một căn chòi nhỏ đơn sơ như một nét chấm phá trong khoảng xanh bao la mênh mông đó, có lẽ là nơi nghỉ ngơi của chủ nhân sau những lúc lao động mệt nhọc và cũng là nơi vô tư đón những khách bộ hành qua đường muốn dừng lại để hít thở không khí trong lành hay muốn trò chuyện đôi câu với chủ nhân của nó.
Tiếp tục lên đường, khách sẽ gặp một ngôi làng nhỏ, đó là làng Kon K’Tu Mới vừa được thành lập theo chính sách giãn dân. Từ đây du khách sẽ leo lên đỉnh núi HPling, với độ cao khoảng 1.100m so với mặt nước biển, có lẽ là nơi thử thách lớn nhất trong suốt cuộc dã ngoại, độ dốc hơi đứng khiến cho những ai không quen sẽ toát mồ hôi, thở dốc rất nhiều. Nhưng điều đó sẽ qua nhanh khi thấy mình đã ở trên đỉnh núi, cảm giác vừa chinh phục độ cao, được đứng lên đỉnh núi cao phóng tầm mắt về bốn phía chỉ thấy màu xanh mênh mông, ngút ngàn tầm mắt. Những cơn gió nhẹ như đang mơn man ve vuốt mát lành làm khô nhanh những giọt mô hôi trên áo và dường như cũng giúp ta nạp thêm một nguồn năng lượng mới.
< Hai du khách nước ngoài vui vẻ tươi cười trên con đường nhỏ bắt đầu vào rừng Lồ ô đẹp như tranh vẽ.
Trên đỉnh là một con đường mòn quanh co nhưng khá bằng phẳng, chạy xuyên qua một vạt rừng thưa. Người hướng dẫn vừa đi vừa giới thiệu rất tỉ mỉ về từng loại cây khác nhau, nhất là những cây của người bản địa ưa thích dùng để làm nhà, làm nông cụ sản xuất, săn bắn…và nhóm cây có thể ăn được như rau rừng, đọt mây…hay cách đặt và tránh những bẫy sóc, bẫy heo rừng… Rồi cả sự bí hiểm của những dấu nguệch ngoạt, cũ có, mới có được khắc vội trên những cây rừng, thì ra đó là sự đánh dấu sở hữu của những chủ nhân, khi thấy dấu hiệu như vậy thì biết là cây đã có chủ và người đến sau sẽ không giờ chặt cây đó, cho dù sau bao nhiêu năm “người chủ cây” đã qua đời nhưng cây ấy sẽ vẫn được cộng đồng tôn trọng và nhắc nhở cho con, cháu người đó biết để chặt nếu có nhu cầu…
< Một căn nhà sàn nhỏ bên bìa rừng là nơi nghỉ ngơi của cả gia đình trong suốt mùa rẫy.
Điều thú vị nữa là vừa qua khỏi vạt rừng thưa, du khách sẽ gặp con đường nhỏ băng qua khu rừng Lồ ô bạt ngàn, dày đặt, ngút ngàn. Đi dưới rừng lồ ô rợp bóng mát rượi, có chỗ tán lá đan xen che khuất không thấy ánh nắng xuyên qua, thỉnh thoảng người dẫn đường ra hiệu dừng lại để chặt bớt những cây đâm ra cản lối…
Qua khỏi rừng, khách chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi thấy trước mắt mình là một rẫy lúa khá lớn, nằm giữa khu rừng già bao la và vài ngôi nhà sàn xinh xắn nép mình bên bìa rừng làm chúng ta liên tưởng ngay đến một đôi uyên ương nào đó đang tận hưởng cuộc sống hạnh phúc, ngày đêm tự tại, vui vẻ với gió núi, trăng rừng… chẳng khác gì những chuyện tình đẹp được các nhà văn mô tả trong sách báo.
Đi tiếp một đoạn đường chỉ vài trăm mét nữa là đến điểm dừng chân nghỉ ngơi nhưng cũng khá vất vả, nếu không có người dẫn đường thì khó có thể đến đích một cách nhanh chóng vì phải băng qua những thảm cỏ tranh cao quá đầu người, lối đi thì rất nhỏ, nhiều chỗ không còn nhận ra dấu vết con đường mòn, có lẽ lâu lắm không có người qua lại nơi này.
Cảm giác bị rừng cỏ tranh bao vây sẽ bay biến khi trước mắt du khách là cây cầu treo bằng tre, nứa truyền thống như “chiếc võng khổng lồ” được tạo hóa mắc qua dòng sông chứ không phải do bàn tay con người tạo nên. Cầu treo khá dài và xinh là nơi đi lại thường xuyên của làng người Ba Na tên là Kon Bãh nằm trên đỉnh ngọn núi phía bên kia sông, thuộc tỉnh Gia Lai và là con đường đi tắt của các buôn làng ở xa mãi tận huyện Kbang muốn đến Kon Tum bằng con đường rừng ngắn nhất.
Điều đặt biệt nữa là dòng sông, tên gọi Đăk B’Từng là ranh giới giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, luôn sẫm màu dù mưa hay nắng. Sông được bắt nguồn từ một vùng nào đó của tỉnh Gia Lai rồi đổ về dòng Đăk Bla huyền thoại. Chỗ ngã ba sông, nơi tiếp giáp với dòng Đăk Bla lúc nào cũng thấy rõ màu đỏ thẫm của Đăk B’Từng trước khi hòa mình vào dòng sông lớn. Có phải vì sự gặp nhau kỳ lạ này không mà người Ba Na quanh vùng đã nghĩ là hai dòng sông như đang đánh nhau và từ Đăk Bla được bắt nguồn từ đây?!.
Và bên ngã ba sông ấy là một không gian hùng vĩ vô bờ, dòng Đăk Bla luôn tươi xinh bên cạnh những ngọn núi cao được bao bọc bởi rừng cây xanh biên biếc.
Ngồi trên một cái sạp giữa rừng hay trải khăn ngồi ăn trưa ngay trên bãi cát mịn màng sạch sẽ, cảm giác được nghe tiếng nước chảy, tiếng chim kêu, những cơn gió trời mát lạnh, nhắm mắt một chút để có thể cảm thấy cuộc sống thật là tuyệt, mọi muộn phiền, ồn ào như biến mất… và sau hoặc trước bữa trưa , khách có thể đầm mình trong làn nước trong vắt hay có thể theo những thanh niên Ba Na chèo xuồng đánh bắt cá tôm, sùng cát, dế, chuột…
Đặc biệt là xem cách họ chế biến. Thông thường là họ sẽ nướng hay bỏ vào ống lồ ô vài lá chua, chát hái được ven sông, suối hay trong rừng cộng với ít muối, trái ớt rồi lấy lá nhét lại đem nướng trên lửa khi thấy sôi một lát là có thể mang ra ăn kèm với cơm gạo lức mang sẵn. Cùng với cách nấu ấy là những món ăn sẽ làm du khách nhớ mãi như tôm sông nấu với tổ kiến vàng hay sùng đất nấu với lá chua… hương vị khiến người khác phải chú ý và ấn tượng khó phai khi được mời nếm thử.
Tạm biệt bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp trở về làng trên những xuồng độc mộc được khoét bằng một thân gỗ lớn, tiếp tục khám phá không gian xanh dọc hai bên bờ sông.
Những bẫy tôm, cá thật đặc biệt với lá mì hay bã rượu cần được bỏ vào bẫy để dụ tôm cá đến. Hay lúc chiếc xuồng nhỏ vượt qua thác Mốp, thác Hlai trong dòng nước chảy xiết khiến trái tim như chùng lại rồi sau đó lại lập tức vỡ òa khi xuồng được người chèo là chàng trai Ba Na khỏe mạnh với đôi tay rắn chắc, đầy kinh nghiệm lách qua những khe đá đang nhô lên, chọn dòng nước nhỏ đủ đưa xuồng vượt qua cơn nước dữ.
Xuồng sẽ đưa khách trở lại điểm xuất phát là làng cổ Kon K’Tu hoặc KonJơRi trong khoảng khắc hoàng hôn đẹp nhất. Du khách có thể thả bộ một chút trên bãi cát rộng ven sông, trò chuyện cùng các em nhỏ, ngắm cảnh sinh hoạt đời thường độc đáo chỉ có ở nơi này.
Quả là một không gian tươi đẹp và những trải nghiệm thú vị trong một ngày trekking dã ngoại…không có ngôn từ nào diễn tả được hết những cảm xúc của một người khi chính mình trải qua những điều tuyệt vời ấy..Nhưng có một điều chắc chắn là khi khách đã lên xe trở về phố thị, còn hồn mình vẫn ở lại trên thượng nguồn Đăk Bla.
Theo Tường Lam (KTO)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét