Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Hấp dẫn cung “phượt” phía Tây Quảng Nam

(DTO) - Những ngày khô ráo giữa tiết trời đông se se lạnh ở miền Trung, “phượt” vùng núi phía Tây Quảng Nam thực sự là một trải nghiệm thú vị. Nơi đây, chờ đón du khách là núi rừng hùng vĩ nguyên sơ cùng với đời sống văn hóa bản địa phong phú.

< Một góc nông trường Quyết Thắng.

Từ phố cổ Hội An, điểm đến du lịch nổi tiếng ở Quảng Nam, đi về hướng tây bắc chừng 70km là đến địa phận huyện miền núi Đông Giang (một trong ba huyện vùng núi phía Tây Quảng Nam). Ngay ở xã Ba, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, giữa núi rừng nguyên sơ, nông trường chè Quyết Thắng tạo nên một bức tranh phông nền thơ mộng và khoáng đạt, tặng cánh “phượt” những bức ảnh đẹp giữa màu xanh miên man của những đồi chè Trung Man - sản phẩm đặc trưng của nông trường chè.


< Sắc xanh của những đồi chè Trung Man.

Trong một cuộc hội thảo chủ đề phát triển du lịch miền Tây Quảng Nam mới đây do Sở Văn hóa - thể thao - du lịch Quảng Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức, nhiều ý kiến của những người làm du lịch chuyên nghiệp khẳng định nông trường Quyết Thắng không chỉ là một bức tranh phong cảnh đẹp. Dulichgo

Điểm đến hấp dẫn trên cung đường “phượt”miền núi phía Tây Quảng Nam này còn có thể hấp dẫn du khách hơn nếu người dân địa phương mời du khách cùng tham gia các công đoạn trồng trọt, chế biến chè tại chỗ như các nông trưởng vùng núi phía Bắc đã khai thác rất thành công.


< Già làng thôn Bhơ Hôồng (xá Sông Kôn, huyện Đông Giang) hướng dẫn du khách tham quan các cung đường bao quanh làng.

Từ nông trường Quyết Thắng đi tiếp về phía núi khoảng chừng 2km, đừng quên ghé nhà già làng Y Kông ở thôn Tống Cóoi, xã Ba, huyện Đông Giang. Già được xem là bảo tàng văn hóa sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây.

Nguyên là cán bộ huyện, ấp ủ giấc mơ bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, từ khi về hưu, từ hàng chục năm nay, già Y Koong tỉ mẩn chế tác, lại cất công sưu tầm nhiều vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt và văn hóa của người Cơ Tu.


< Già làng Y Kông (ở xã Ba) trò chuyện về đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu cùng du khách.

Ngôi nhà Mool nhỏ của già có đến hàng trăm món “độc”, nhiều nhất là những nhạc cụ dân tộc truyền thống như kèn Abel, như đàn Tơhheh…- những nhạc cụ thay người Cơ Tu nói lý, hát lý gửi gắm tiếng lòng mình, tâm sự với bạn tình, hay với cả những người trong gia đình, thôn xóm.

Già còn bỏ ra hàng mấy năm trời tự đục đẽo quan tài cho chính mình - chiếc quan tài đặc ngay giữa nhà thu hút sự chú ý của du khách với thiết kế lạ cùng những đường nét, hình thù chạm khắc trên quan tài.


< Ghi lại những tấm ảnh đẹp ở làng dệt thổ cẩm ở thôn Đhơ Rồng (xã Sông Kôn).

Chính già làng là một kho tàng văn hóa bản địa với những câu chuyện kỳ bí của núi rừng, với những điệu lý mà già làng Y Kông tâm sự: “Tui lo mấy đứa nhỏ sau này lớn lên không biết, thì uổng lắm”.

Trang phục dân tộc cũng là một nét văn hóa của người Cơ Tu. Con tạo xoay vần, cuộc sống nhiều đổi thay, nhiều đứa trẻ Cơ Tu lớn lên không còn mặc trang phục truyền thống nữa. Nhưng đây đó, những đường dệt hoa văn thổ cẩm vẫn miệt mài trong những mái nhà dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Cơ Tu.


< Nhà Mool, kiến trúc nhà truyền thống của người Cơ Tu.

Với sự hỗ trợ tư vấn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp quốc cùng dự án “Tăng cường các hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền”, nay giữa núi rừng Đông Giang, người dân làng dệt thổ cẩm Đhơ Rồng (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) đã sẵn sàng đón khách, hướng dẫn khách cùng tạo nên thành phẩm.

Tìm hiểu đời sống bản địa, nghỉ lại đêm ngay trong nhà Mool, kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc Cơ Tu là một trải nghiệm thú vị. Một số đơn vị lữ hành hưởng ứng dự án phát triển du lịch cộng đồng (để chính cộng đồng địa phương hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch) của các tổ chức phi lợi nhuận đã đưa du khách đến Đông Giang và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Phối hợp với chính quyền địa phương đầu xây dựng làng du lịch cộng đồng thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn) với  5 nhà Mool phục vụ du khách nghỉ lại đêm ngay giữa làng, ông Phạm Vũ Dũng, GĐ Công ty Du lịch Mạo hiểm Việt Nam chia sẻ: “Không chỉ là từ kinh nghiệm của mình, hướng dẫn bà con làm du lịch, mà chính mình cũng luôn lắng nghe để hiểu và hòa nhập với đời sống người dân bản địa.

Du khách về làng, toàn bộ hướng dẫn viên, các dịch vụ ăn uống, trình diễn múa tung tung dá - điệu múa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, đến tour khám phá những cung đường núi ven suối bọc quanh làng… đều do người dân địa phương thực hiện.


< Nghỉ lại đêm, chờ xem những điệu múa tung tung da dá trong nhà Mool giữa làng du lịch cộng đồng thôn là một trải nghiệm thú vị.

Mình cứ nghĩ bà con được hưởng lợi sẽ hưởng ứng, nhưng cũng nhiều phen bị "hớ” lắm. Ví dụ có hôm mình đưa khách đến, đã hẹn bà con đêm đó sẽ múa tung tung da dá cho bà con xem, nhưng bà con hôm đó không biểu diễn và nói là “hôm nay không muốn, không múa”.”

Ating Bai, hướng dẫn viên người bản địa ngay tại Bhơ Hồông chia sẻ: “Phải hiểu đồng bào ở đây còn rất xa lạ với việc làm du lịch. Khi mình đưa khách du lịch ghé thăm làng, vẫn không ít bà con hỏi “du lịch là gì?”. Để mọi người hiểu, để góp phần phát triển du lịch, đem lợi ích kinh tế về cộng đồng, ban đầu là sẽ nhiều khó khăn. Mình phải kiên nhẫn và kiên nhẫn lắng nghe, trao đổi với bà con”

< Khung cảnh núi rừng nguyên sơ, thơ mộng nhìn từ balcon nhà Mool.

Vùng núi phía tây Quảng Nam thật sự là một điểm đến đầy tiềm năng hấp dẫn khách du lịch, nhưng tại Hội thảo về phát triển du lịch địa phương đã nhắc đến ở trên, nhiều ý kiến chuyên gia đều đồng tình cho rằng điểm hấp dẫn du khách nhất là vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, sông suối nơi đây, và đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, làm sao giữ gìn và phát huy những giá trị ấy, mới là hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở miền đất này.

Theo Khánh Hiền (Dân Trí)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét