(BQN) - Trong số 21 dân tộc thiểu số của Quảng Ninh, đông nhất là người Dao, Tày và Sán Chỉ. Mỗi khi xuân về, bà con các tộc người này nô nức đón Tết với những phong tục riêng rất độc đáo...
Bánh chưng nhân cá của người Tày
Người Tày có phong tục đón Tết rất độc đáo, ít bị pha trộn với các dân tộc khác. Bà con người Tày chuẩn bị từ mùng 10 tháng Chạp, khi đó người nuôi được gà thì nhốt riêng ra để ăn Tết, người không nuôi thì cũng mua trước từ ngày này. Xưa kia, vào ngày 25 tháng Chạp thì chẳng còn ai bán hàng nữa, các gia đình rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng, bánh cốc mò.
Người Tày gói bánh chưng rất to để cúng tổ tiên, bánh được gói bằng 12 bơ gạo, nhân bánh có 1 con cá suối nặng 2,5 lạng, 1 quả trứng và 1 miếng thịt ba chỉ.
Về lý do, anh Chíu Quảng Thanh, cán bộ Phòng VHTT huyện Bình Liêu giải thích, quan niệm của người Tày là không chỉ riêng con người mà ngay cả loài vật cũng có linh hồn. Bánh chưng cúng tổ tiên là gửi linh hồn các con vật rất gần gũi với con người là cá, gà, ngan, lợn xuống cõi âm để người quá cố làm vật nuôi như khi họ còn sống.
Người Tày gói 2 loại bánh chưng khác nhau gọi là bánh bố hình tròn, bánh mẹ dài. Chiều 30 Tết, bánh được đưa vào bàn thờ tổ tiên. Sau Tết, bánh được bóc ra, cả họ phải tập trung đông người ăn mới hết. Nếu có khách đến, chủ nhà rất ân cần mời khách cùng ăn, người nào ngẫu nhiên được ăn bánh của 3 nhà coi như may mắn quanh năm.
< Bánh chưng dài, bánh cốc mò, xôi ngũ sắc là các món ẩm thực không thể thiếu của người Sán Chỉ ở xã Đại Thành (Tiên Yên) vào dịp tết.
Trong dịp Tết, người Tày không chỉ có bánh chưng mà còn gói rất nhiều bánh cốc mò (gần giống bánh gù). Bánh chín, bà con đem treo bánh ở khắp các cửa sổ trong nhà và cửa sổ ngoài vườn (chuồng trâu, chuồng lợn) để linh hồn những người lang thang chết ốm hoặc chết đói ngoài rừng, ngoài đường… không có nhà cửa, nơi thờ cúng có bánh ăn Tết. Số bánh này sau Tết được coi là lộc, người ta bóc ra cho trẻ con ăn với quan niệm khi ăn lộc, những đứa trẻ sẽ có cuộc sống no ấm, khoẻ mạnh hơn, có nhà cửa, không phải sống lang thang.
Người Tày cúng mùng 1 Tết cũng có nét độc đáo riêng. Ngoài bánh chưng, họ còn có xôi màu đỏ được nấu với nước quả rừng. Xôi được chia thành 9 nắm tượng trưng cho 9 đời của dòng họ mình. Mùng 1 Tết, họ ăn một nửa số xôi đó và không ăn thịt vì kiêng sát sinh.
Bà con cho rằng, linh hồn các con vật nuôi sau khi chết cũng về đón Tết nên không sát sinh vào ngày mùng 1, để tổ tiên con cháu của vật nuôi cũng được sum vầy. Cuộc sống của người Tày luôn gắn liền với các dòng sông nên vào ngày Tết, họ không quên thắp thương thờ thần sông, rồi hái búp cây le mọc bên bờ sông về ăn lấy lộc, đàn ông hái 7 búp, phụ nữ thì hái 9 búp.
Dập dìu điệu Soóng cọ
Người Sán Chỉ sống tập trung nhiều ở các xã Đại Dực, Đại Thành (huyện Tiên Yên). Từ 27-12 âm lịch, người Sán Chỉ đã bắt đầu lo gói bánh chưng để chuẩn bị Tết, bánh chưng của họ tròn dài, nhân thịt và đỗ xanh có điểm thêm chút lá cơm nông, để nhân bánh có màu đỏ tạo hạnh phúc may mắn. Đến 30 Tết, người ta lấy lá đa cắm vào bên cửa để lấy lộc đón năm mới, sau đó họ mới giết gà, giết lợn. Ngày mùng 1, chủ nhà hỏi thầy mo hướng xuất hành đầu năm. Khi đã chọn được hướng, người ta chặt 1 cây tre cao hơn 2m để nguyên cả cành lá cắm vào hướng đó trước sân.
< Đàn tính - nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hoá của người Tày ở Bình Liêu.
Đêm 30 Tết, chủ nhà lấy giấy đỏ và vàng cắt hình con cá. Sáng mùng 1 Tết, các thành viên trong gia đình (kể cả trẻ con) ai cũng phải mang theo 2 con cá bằng giấy đến cây tre được cắm trước nhà, họ treo 1 con vào cây tre, còn con kia họ bẻ 1 nhánh tre xuyên qua, cắm vào bờ tường nhà. Các gia đình đều làm bánh rán để cúng. Người Sán Chỉ cũng mang phong tục kiêng ăn như người Tày, mặc dù ngày mùng 1 Tết, họ cúng rất nhiều thứ từ bánh chưng, bánh rán, thịt, cá, rượu.
Họ kiêng ăn thịt cả ngày hoặc đến tầm 2 giờ chiều mới ăn. Họ còn kiêng quét nhà vào ngày mùng 1, kiêng đi nương rẫy, không có người mời thì không sang nhà người khác chơi. Nhà nào cũng chọn người đàn ông đứng tuổi, hợp với mệnh gia đình mình để xông đất, với hy vọng người đó sẽ đem lại may mắn cho gia đình quanh năm. Bà con chọn ăn tết ngày mùng 1 bên nhà nội, mùng 2 sang nhà ngoại, mùng 3 làm lễ khai xuân đốt cành tre con cá được cắm từ mấy hôm trước, lúc này họ gõ kẻng, gõ trống để xua đuổi những điều không may, bệnh tật trong năm ra khỏi nhà.
Ngày Tết, bà con dân bản cũng tụ tập lại với nhau tổ chức hội xuân. Họ vui các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, ném còn, đặc biệt tục lệ hát Soóng cọ không thể thiếu trong những ngày này. Họ hát giao duyên, các bản hát đối với nhau, hát nhóm nam nữ, nội dung của các bài hát đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ các buổi đi hát như thế này.
Người Sán Chỉ còn có một tục lệ khai xuân độc đáo khác, đó là tục lệ “trồng ngô”. Họ chọn ngày Dần để đi khai xuân, tất cả các nhà trong xóm, bản sẽ tập trung giúp một nhà trồng ngô vào buổi sáng. Đến đầu buổi chiều, chủ nhà sẽ mời tất cả mọi người bữa ăn đầu năm, họ ăn uống, múa hát đến tận đêm mới về. Cứ thế, họ tiếp tục đi giúp các nhà khác trong bản…
< Hát Soóng cọ luôn được tổ chức vào ngày Tết của người Sán Chỉ, xã Đại Thành (Tiên Yên).
Người Dao và tục xin chữ cầu may
Người Dao có mặt ở hầu khắp các huyện, thị và phong tục đón tết của họ cũng gần giống người Kinh. Theo lời kể của ông Triệu Thanh Xuân, 72 tuổi, thôn Nà Bắp (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) thì mùng 1 Tết, tất cả người trong dòng họ tập trung ở nhà người lớn tuổi và có vị trí lớn nhất trong dòng họ để cúng.
Người Dao không cúng một lễ chung tất cả ông bà tổ tiên như người Kinh mà họ cúng từng người một. Thí dụ như trong dòng họ có 9 người đã mất, thì người sống cúng liền trong 9 ngày, lần lượt từ người lớn tuổi nhất đến người ít tuổi nhất.
Ngày mùng 1 Tết, họ chỉ mừng tuổi người già, con cháu sống trong ngôi nhà mình, kiêng mừng tuổi người sống khác nhà, bởi họ quan niệm đồng tiền hôm đó là lộc, mừng tuổi người trong nhà thì lộc không mất đi đâu hết.
Từ mùng 2 Tết trở đi, họ mới mừng tuổi người già và trẻ con ở nhà khác. Người Dao cũng có tục xin chữ cầu may như người Kinh, nhưng không phải xin chữ thầy đồ mà là thầy mo trong làng.
Theo Anh Vũ (báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét