Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Ngắm biển Nha Trang từ núi Sạn

Núi Sạn cao khoảng 200m, cách trung tâm TP Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 3km về phía bắc, hiện là điểm thu hút các bạn trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm, chụp hình và ngắm TP Nha Trang từ trên cao.

Con sông Cái Nha Trang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, có độ dài hơn 60km, vượt qua nhiều ghềnh thác đổ xuống đồng bằng qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, TP Nha Trang. Trên hành trình về Biển Đông, còn khoảng hơn mười cây số, con sông rẽ thành hai nhánh. Một theo nhánh chính đổ về cửa lớn (khu vực Tháp Bà, Xóm Bóng), một vòng theo hướng đông nam qua nhiều đồng ruộng, qua làng Trường Đông và đổ về cửa bé.

Trên nhánh chính (cửa lớn), từ cầu sắt Vĩnh Ngọc, con sông rẽ hai nhánh, một nhánh lớn chảy qua cầu Hà Ra, nhánh nhỏ hơn men sát chân núi Sạn, hai nhánh sông lại ôm lấy cồn Dê hay còn gọi là Ngọc Thảo rồi gặp nhau ở cửa biển.
Dòng chảy ngoằn ngoèo của sông Cái đã làm nên những hình ảnh rất ngoạn mục, ấn tượng cho vùng này.
Dulichgo
Từ trung tâm TP Nha Trang, qua cầu Hà Ra, rẽ trái theo đường Ngô Đến (là đường đi vào suối khoáng nóng Tháp Bà), tại đây có hai cách để lên núi Sạn.

- Cách thứ nhất là từ chùa Hang, hay còn gọi là chùa Hải Ấn. Vào bên trong chùa Hang, ra phía sau có đường lên núi. Lên khoảng 500 bậc cấp sẽ có điểm dừng nhìn xuống thấy trọn vẹn vùng cửa sông Nha Trang, như: mặt sau của cồn Dê, khu du lịch Hải Đảo… và một phần phía tây thành phố.
Tuy nhiên, nơi này thích hợp cho giới nhiếp ảnh, các bạn trẻ lên chơi, ngắm cảnh rồi về, không có tiện nghi (nơi cắm trại) ở lại đêm. Độ cao nơi này chỉ khoảng 120m so với mặt nước biển.

- Cách thứ hai là đi tiếp qua khỏi chùa Hang đến cơ sở 2 của xưởng đóng tàu composite có đường rẽ trái lên núi.

Đường lên núi khá cheo leo, vừa đi bộ lại vừa leo qua các tảng đá lớn, hẻm, vách núi…
Có những chặng phải qua các gộp đá cao, lớn, tuy nhiên có những móc sắt bám vào khá an toàn. Trên đỉnh này của núi Sạn có một khối đá lớn và các khối đá nhọn, có thể tổ chức cắm trại và ngắm nhìn TP Nha Trang bao quát hơn.
Dulichgo
Như tên gọi, núi chỉ toàn là đá, cây rừng thấp lúp xúp. Vào mùa trăng, không nơi nào tuyệt vời hơn để ngắm trăng bằng nơi đây. Hay lúc hoàng hôn ngắm TP Nha Trang lên đèn như thời khắc chuyển mình. Các bạn trẻ chọn ở lại đêm, sinh hoạt dã ngoại, ngắm trăng, ăn uống và sáng sớm ngắm bình minh. Từ nơi đây có thể chụp được những khoảnh khắc mặt trời ló dạng đẹp nhất ở vùng cửa biển Nha Trang.

Nếu đi theo tour, khoảng 10 người một tour với giá 200.000 đồng/người, gồm các chi phí lều bạt cắm trại, đốt lửa trại, ăn tối…
Dulichgo
Nếu như chặng đầu tiên bạn phải vượt qua thử thách là độ dốc thì đến 2 chặng sau là những gộp đá, vách đá, hang đá, hẻm đá và cây rừng đầy mạo hiểm. Có những chỗ khách phải đu dây mới có thể vượt qua được. Bởi thế, khoảng cách giữa các đỉnh núi chỉ khoảng 50m, nhưng chúng tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ mới vượt qua. Và khi đã đứng trên đỉnh núi cao nhất của Hòn Sạn với độ cao khoảng 200m so với mực nước biển, ta sẽ cảm thấy rất phấn khích.

Đứng trên đỉnh núi Hòn Sạn, phóng tầm mắt về phía Đông là hình ảnh thành phố với những khu dân cư, khách sạn cao tầng nằm yên bình bên bờ vịnh Nha Trang xinh đẹp.

Những địa điểm nổi tiếng ở phố biển như: Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, nhà thờ Núi, Hòn Chồng, cáp treo Vinpearl... cũng hiện lên ở một góc nhìn mới. Dòng sông Cái uốn lượn bên những lũy tre, rặng dừa xanh mát. Ở phía Nam thành phố, dãy núi Đồng Bò uốn lượn. Nhìn về phía Bắc, dãy núi Cô Tiên đẹp mơ màng trong màn sương chiều bảng lảng. Ngắm về phía Tây sẽ thấy cảnh núi Hòn Nghê, cánh đồng lúa Vĩnh Phương...
Dulichgo
Leo núi ở Nha Trang thực sự là một trải nghiệm vô cùng thú vị bởi lâu nay nhắc đến phố biển, du khách gần xa nghĩ ngay tới các loại hình du lịch biển, đảo. Nhưng còn có một Nha Trang khác, một Nha Trang được bao bọc bởi những dãy núi như Đồng Bò, Cô Tiên, Hòn Nghê. “Qua khảo sát, chúng tôi thấy để có thể thu vào tầm mắt hình ảnh bốn phương của Nha Trang thì không vị trí nào lý tưởng hơn đỉnh núi Hòn Sạn.

Theo Bình An (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét