Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Tục thờ Thông Thiên

Tục thờ Thông Thiên là một tín ngưỡng thờ Trời phổ biến ở miền Nam nước ta. Theo tín ngưỡng dân gian, Trời được xếp trước Phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự "Trời - Phật - Thánh - Thần", nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà.

Trước năm 1975, ở các vùng quê Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ Thông Thiên trước nhà (nhiều khi gọi là bàn thờ Ông Thiên). Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1,5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương và mấy ly nước mưa (loại ly nhỏ uống trà).

Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được "thông" đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình.

Bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa Trời và Đất, giữa người sống và người đã khuất. Điều này thể hiện bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày, vào lúc chập tối - là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, nén nhang được cắm trên lư hương - nơi ở giữa Trời và Đất.

Hình thức thờ Trời cũng được thực hiện trong nhiều tôn giáo xuất hiện ở miền Nam. Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn, có nghĩa là "mắt của Trời", với biểu tượng hình một con mắt, tượng trưng cho Thượng Đế toàn năng, thấu rõ tất cả những hành vi của con người. Đạo Hòa Hảo ngoài việc thờ Cửu Huyền Thất Tổ và các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, mỗi gia đình tín đồ còn có một bàn thờ Thông Thiên trước sân nhà để tưởng nhớ Trời Đất.

Đối với người nông dân, ông Trời được xem là đối tượng có tài năng, có phép màu và có lòng từ bi để cứu giúp con người, nên mỗi khi gặp tai nạn thì "cầu Trời, khẩn Phật" để cho "tai qua, nạn khỏi". Trời có khi lại hữu hình, và cũng đồng dạng với con người nên được gọi là "Ông", ông Trời có mắt:
Dulichgo
"Trời ơi ngó xuống mà coi. Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu" (ca dao), và cũng có tai "Ai ơi chớ có ăn lời. Bụt kia có mắt, ông Trời có tai" (ca dao). Và ông Trời là người có trách nhiệm nên người ta tin rằng "Trời sinh voi, Trời sinh cỏ", "Trời sinh, Trời dưỡng", "Trời không phụ lòng người".

Như vậy, ông Trời từ một "đấng siêu nhiên" đã đi vào nhà người nông dân Nam Bộ, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, chứng kiến những vui buồn, thấy được những khó khăn, vất vả của người nông dân và sẵn sàng ra tay cứu giúp. Ông Trời trở nên gần gũi như ông bà, cha mẹ, như người thân trong gia đình, nên việc thờ Trời là hết sức bình thường, hết sức tự nhiên.

Người Nam Bộ vốn chất phác và phóng khoáng trong cuộc sống và sinh hoạt nên sự hỗn dung trong việc thờ tự cũng được biểu hiện rõ nét. Người ta dễ nhận thấy nhiều bàn thờ Thông Thiên đôi khi còn có kết hợp thờ ông Tà bên cạnh, có khi là mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương, có khi là một góc nhỏ dưới chân bàn thờ Thông Thiên. Gặp ngày giỗ ông bà, hoặc ngày lễ, ngày Tết, cúng tổ nghề, tổ nghiệp… người ta cũng kết hợp luôn để cúng "ông Trời".

Nếu trong nhà có một mâm cơm cúng thì trên bàn thờ Thông Thiên cũng có lễ vật, hoặc là hoa quả, hoặc dĩa xôi, có khi rượu thịt. Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Thông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời, cầu nguyện cho sự sung túc cả năm.
Dulichgo
Hiện nay, nhiều địa phương ở Nam Bộ vẫn còn giữ tục lệ này, nhất là những vùng nông thôn. Quan sát bàn thờ Thông Thiên có thể nhận thấy sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là triết âm - dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông - tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Lạc Việt.

Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: có vuông - có tròn, có âm - có dương.

Theo Huỳnh Thăng (Cà Mau Online)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét