Sáng cuối năm rồi lạnh buốt, chúng tôi phóng xe máy đi từ cửa khẩu Hoành Mô tới xã Đồng Văn (Bình Liêu). Giờ này, ở các ngả đường thành thị, người xe đã nườm nượp, vội vã để hoàn thành nốt những công việc năm cũ. Vậy nhưng đường miền núi ở đây vẫn im lìm, tịnh không một bóng người. Sương mù tan muộn mang cái vẻ u uẩn của núi rừng. Thi thoảng chỉ thấy tiếng “lóc cóc” ở đâu đó bên dưới cánh đồng. Nhìn và lắng nghe thật kỹ mới phát hiện đó là tiếng mõ trâu... Tết của đồng bào vùng cao như còn xa lắm ấy.
Gặp “quan trấn rừng” dưới đỉnh Cao Ba Lanh
Lẽ ra, chúng tôi đã đến Đồng Văn từ chiều hôm trước, theo lời hẹn với Chủ tịch UBND xã Giáp Văn Ngôn. Nhưng do phải lưu lại ở bản Nà Dun (xã Hoành Mô) tới tối muộn, chúng tôi đành phải ngủ lại ở Hoành Mô mà quên không điện thoại hẹn lại.
Thế mà khi vừa đến Uỷ ban xã, một cán bộ đã ra tận xe, đón chúng tôi lên gặp Chủ tịch. “Chúng tôi đợi suốt chiều qua, mãi không thấy nhà báo tới” - anh cán bộ xã nói hấp tấp. Cả đến khi gặp, Chủ tịch xã Giáp Văn Ngôn cũng chẳng có vẻ gì là trách móc chúng tôi cả.
Với tôi, Đồng Văn không còn là lạ lẫm nữa, nhưng với anh bạn đồng nghiệp đi cùng, thì đây là lần đầu tiên được tới. Vừa nghe nói vậy, Chủ tịch xã đã hào hứng giới thiệu ngay: “Đồng Văn có điểm thông quan với Trung Quốc, là cầu nối giao lưu phát triển kinh tế - thương mại, dịch vụ, trao đổi hàng hoá. Xã có nhiều danh thắng đẹp như: Đỉnh núi Cao Ba Lanh, Quảng Nam Châu, thác Sông Móc, thác Khe Tiền, căn cứ kháng chiến Sông Móc... là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn nối liền với các địa phương trong và ngoài huyện...”. Nghe anh giới thiệu một hồi, có vẻ như chưa muốn ngừng lại, tôi xen vào: “Những lợi thế ấy chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm, nhưng giờ thì xin phép Chủ tịch cho anh em chúng tôi đến những thôn bản khó khăn nhất”. “À... Phật Chỉ nhé!” - Anh Ngôn nói ngay. Câu nói không đủ nghĩa khiến chúng tôi nhất thời chưa hiểu, lát sau mới biết rằng đó là tên một bản xa nhất, cao nhất và cũng khó khăn nhất của xã Đồng Văn.
Chiếc xe Win lại nổ máy lên đường. Có lúc đường đi chỉ men theo suối, có lúc lại vượt đèo lên cao trăm mét, nhìn xuống suối chỉ còn là vực sâu thăm thẳm. Bên kia bờ là nước bạn. Ranh giới hai nước Việt - Trung được phân chia bởi những cột mốc nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa, như những ngọn hải đăng chiếu sáng suốt một dải chiều dài đất nước. Cứ theo lời chỉ dẫn của Chủ tịch xã, đi khoảng 9km nữa thì tới cột mốc 1327, điểm cuối cùng của xã Đồng Văn và cũng là địa bàn thôn Phật Chỉ.
Từ đỉnh dốc chúng tôi đứng, dãy núi Cao Ba Lanh nhìn như gần lắm, nhưng để chạm được vào những phiến đá thần bí trên đó (dân Đồng Văn truyền rằng: Núi Cao Ba Lanh nổi tiếng với “đá thần”, khi gõ vào một phiến đá, tạo thành âm thanh cộng hưởng cùng các phiến đá khác như tiếng nói đầy huyền bí của các thần linh...), thì đường đi còn đầy gian nan, chỉ có dân bản địa mới có thể đến được. Mốc 1327 đây rồi, nhưng nhìn mãi vẫn chẳng thấy một nóc nhà, chỉ có ngút ngàn rừng xanh, và gió. Gió lạnh như cắt da cắt thịt, khiến chúng tôi chỉ thèm nhìn thấy một mái nhà, mường tượng ra cảnh khum người bên bếp củi.
Vượt qua một con dốc nữa, chúng tôi mới thấy một dãy nhà cấp bốn, mái lợp pro ximăng, ngay phía dưới mặt đường. Đây là nhà quan sát, bảo vệ của Đội 3, Lâm trường 155 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Quân khu 3). Chúng tôi chủ động đến, giới thiệu, làm quen và được sụp soạp những cốc trà xanh nóng hổi do các anh bộ đội mời, đúng như mong muốn. Đội trưởng, Trung tá Nguyễn Trọng Bình là người gắn bó với Phật Chỉ lâu nhất. Anh ra đây từ năm 1982, rồi được đơn vị tín nhiệm giao chức “trấn rừng” Phật Chỉ từ đó đến giờ. Từ năm 2002, khi bà con ở bản Sông Moóc di dân ra Phật Chỉ, anh Bình và đồng đội lại có thêm nhiệm vụ mới, là vận động, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế (cung cấp con giống và cây trồng); phụ cấp lương cho giáo viên và lương thực cho các cháu mầm non.
“Nhà mình ở Móng Cái, thỉnh thoảng lại phóng xe theo con đường vành đai biên giới về thăm nhà. Nhưng về thành phố dường như lại không chịu được cái ồn ào, náo nhiệt ấy. Được làm “quan trấn rừng” ở đây là sướng nhất đấy!” - Trung tá Bình nói, mắt lãng đãng nhìn về phía đỉnh Cao Ba Lanh. Tôi biết anh nói đùa, vì ở đây, ngoài được “sướng” với cái không khí trong lành, thì các anh thiếu thốn đủ thứ. “Mùa đông ở đây dài lắm. Có ngày lạnh dưới 4 độ, sương phủ cả ngày” - Anh Bình kể. Chỉ mỗi chi tiết ấy thôi, đã thấy bộ đội vùng cao vất vả thế nào. Nhưng rồi, anh lại khoả lấp: “Dân sống được, chẳng có lý do gì bộ đội lại không sống được cả!”.
Thế là cứ sáng sáng, “ông quan trấn rừng” lại hì hụi băm rau, nấu cám nuôi lợn, hôm nào nắng ấm, “ông” lại buộc toòng teng mấy rảnh lá chuối khô vào đầu que tre, lùa đàn vịt ra đồng...
Bữa rượu nhà mới
Phật Chỉ hôm nay có cỗ về nhà mới. Ấy là nhà của Dường Cắm Hồng, 34 tuổi, cùng gia đình theo chính sách di dân ra vùng biên giới Phật Chỉ từ năm 2002. Đó là lý do mà cả bản gồm 33 hộ hôm nay đều đóng cửa, vắng nhà. Thỉnh thoảng, lại thấy một chiếc xe máy từ trong bản đi qua chỗ chúng tôi, cả người lái và người ngồi sau đều có vẻ chếnh choáng. Anh Bình cười giải thích: “Ở đây, cứ nhà nào có chuyện vui là mời cả bản tới dự. Cỗ về nhà mới thì phải ăn tới 2-3 ngày, không say không về, việc nhà thì cứ để đó đã”. Tôi nổi máu tò mò, hỏi: “Bây giờ bọn em vào nhà Hồng ăn cỗ được chứ?”. “Được quá đi chứ! Nhưng cứ phải cầm theo con gà, hay cân thịt” - Trung tá Bình tỏ vẻ kinh nghiệm. Tôi phân vân: “Nhưng lấy đâu ra gà, thịt bây giờ, thôi “đóng” tạm cái phong bì 100 nghìn, anh nhé!”. Được sự hướng dẫn của các anh Đội 3, những người lính “cắm bản” thông thổ và am hiểu phong tục của bà con dân tộc Dao nơi đây, chúng tôi tự tin leo qua 2 quả đồi, tới nhà Dường Cắm Hồng.
Chủ nhà đã say khướt, nằm ở góc tối gian trong từ bao giờ. Vợ Dường Cắm Hồng lăng xăng dọn cỗ. Củi lửa ngoài góc sân lại bùng lên. Thức ăn được đun nóng lại để mang tới cho những vị khách không mời. Sau phút bỡ ngỡ với những người khách lạ là chúng tôi, các bàn ăn bên cạnh lại hò nhau “hấp tíu” (uống rượu). Nhà mới của vợ chồng Dường Cắm Hồng là một gian mới được xây thêm, bên cạnh gian nhà cũ, không to, nhưng chắc chắn. Cả nhà mới và cũ đều không có cửa sổ, khách ngồi ăn bên trong nêm chật cứng, tối và nghi ngút khói.
Dù là nhà to hay nhỏ, ngày và hướng dựng nhà của người Dao được chọn theo tuổi của gia chủ. Người Dao kỵ làm nhà trùng với ngày mất của cha mẹ, ngày có sấm đầu năm, ngày kiêng của dòng họ, kiêng làm nhà vào tháng ba Âm lịch. Từ khi làm nhà cho đến khi nhà hoàn thành, người Dao có nhiều nghi lễ quan trọng, nhưng quan trọng nhất là lễ vào nhà mới. Trong đó nghi thức quan trọng và không thể thiếu là đốt lửa. Việc nhóm lửa vào nhà mới được thực hiện cùng với thời điểm vừa lợp xong nóc hoặc đúng giờ đã chọn để vào nhà mới.
Chủ nhà chọn hai hoặc bốn người bất kể đàn ông hay đàn bà, nhưng phải phúc hậu, con cái đề huề, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt có uy tín với dòng họ xóm làng. Trong đó nhất thiết phải có một người mang mệnh Hoả và một người mang mệnh Thuỷ. Mỗi người cầm bó đuốc đang cháy cùng nhau châm vào đống củi được đặt sẵn trong bếp. Khi lửa cháy, mọi người vây quanh bếp rót rượu chúc gia chủ và các thành viên trong gia đình làm ăn phát đạt và hạnh phúc. Sau đó, phải giữ lửa cháy liên tục ít nhất trong một ngày một đêm. Sau khi làm lễ đốt lửa, họ dọn đồ đạc, trước tiên là đưa ống nước, cum thóc, bát đĩa, nồi xoong chảo vào nhà mới...
Khi chúng tôi rời khỏi bản Phật Chỉ, trời lại bắt đầu mưa, sương mù ken dày đặc. Dường như ông trời bắt chúng tôi phải cảm nhận phần nào sự gian truân với cái khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Nhưng dù còn bao gian truân, cực khổ, người Dao ở Phật Chỉ đã tìm thấy được hạnh phúc của chính mình. Nhiều căn nhà mới mọc lên; việc người Dao lập gia đình với một dân tộc khác, trước đây không thể xảy ra, nhưng nay thì có thể; nguy cơ đói nghèo cũng không còn nữa, thực sự họ đã có một sự hồi sinh thần kỳ.
Xuyên qua cái lớp sương mù dày đặc ấy, chúng tôi xuôi xuống Phai Lầu, một bản 100% dân tộc Dao của xã Đồng Văn. Cuối năm 2012, bản có thêm thành viên mới, đó là 10 hộ theo chương trình di dân ra vùng biên giới. Dường Cắm Coóng là một trong số 10 hộ ấy. Anh đang cùng anh em trong bản hoàn thành nốt những phần việc cuối cùng cho căn nhà mới của mình. Coóng đưa chúng tôi vào mái nhà gianh dựng tạm gần đó để trú mưa.
Lại rượu. Rượu được rót ra để mừng cho gia chủ sắp có một cái Tết tinh tươm. Rượu để xoá nhoà khoảng cách về văn hoá, ngôn ngữ. Coóng không biết nói tiếng Kinh, nhưng nhìn vào đôi mắt chàng trai người Dao trẻ ấy, tôi hiểu anh đang muốn tỏ bày một niềm vui khôn xiết. Ngoài kia, mưa xuân lất phất bay. Niềm vui của Coóng làm tôi quên đi phút chạnh lòng trong buổi xa nhà, tới mảnh đất heo hút sương mờ cây giăng phủ kín này. Bất giác, tôi quay sang những người bạn mới quen, hô lên: “Nào, hấp tíu!”.
Theo Tuỳ Phong (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét