Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Câu cá trên hồ thủy điện Sông Hinh

(AVT) - Sông Hinh được nhiều người biết đến bởi câu nói "Cọp núi Lá, cá Sông Hinh". Nhất là từ khi thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ đã đi vào hoạt động ổn định, lượng cá nước ngọt từ 2 lòng hồ này không những cung cấp đủ  cho nhân dân trong vùng mà còn cho các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc. Đặc biệt hơn, nó đã trở thành điểm hẹn của những người yêu thính thiên nhiên với những chuyến dã ngoại cùng thỏa mãn thú vui câu cá ...

Nhiều năm qua, câu cá tại lòng hồ thủy điện Sông hinh đã trở thành một thú vui hoang dã thu hút đông đảo người dân đang sinh sống tại huyện Sông Hinh, đặc biệt là trong những ngày nghỉ cuối tuần, đây là khoảng thời gian lý tưởng để những người làm công ăn lương thư giãn, giải trí. Anh Hoàng Ngọc Thục khu phố 5, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, người có nhiều đam mê với thú câu cá, nói: "Câu cá là một thú tiêu khiển tao nhã mà từ cổ chí kim không ít người lựa chọn và say mê.

Đặc biệt hơn, Hồ thủy điện Sông Hinh có cảnh đẹp hùng vĩ, dưới mặt hồ mênh mông uốn lượn là những dáng núi, hình mây. Bạn có thể thỏa mái chọn cho mình một chỗ câu lý tưởng, dưới những tán cây rừng xanh mượt, rủ bóng mát, hoặc trên những tảng đá chông chênh tự nhiên, được bào mòn bởi sóng nước thời gian. Đó chính là nơi để buông mồi bắt cá".

Anh Nguyễn Tiến Lân ở khu phố 9 thị trấn Hai Riêng, một người đã có thâm niên trong nghề câu cá cho biết: "Trong một chuyến câu cá, bạn phải có từ 3 đến 5 chiếc cần câu. Cần câu cũng đủ loại, cần tre, cần câu rút, câu văng... Nhưng được sử dụng nhiều nhất là cần câu rút của Trung Quốc dài từ 3,2m đến 5,4m bởi giá rẻ, gọn nhẹ, thích hợp với những chuyến câu xa. Cá câu được nhiều nhất là rô phi, ngoài ra còn có cá chép, cá trầu, cá trê, cá lăng...

Mồi câu là loại trùng đất hoặc tép tươi. Câu cá thích hợp nhất là vào mùa hè, bởi đây là thời gian sinh trưởng, cá háu mồi, dễ câu". Anh Lân cho biết thêm: "không chỉ có cán bộ, công chức mà còn có nhiều người dân  sau khi xong việc đồng áng, đi câu giải trí đồng thời cải thiện đời sống, kết hợp ngày thứ bảy chủ nhật, số lượng người đi câu có lúc lên đến hơn 100 người. Vào mùa nước cạn cá nhiều, có người được 10 ký, bình thường được 5-7 ký, ít nhất cũng được 2-3 ký, đi không thể trắng tay".

Còn anh Trương Khắc Vân, cán bộ Bệnh viện đa khoa huyện, tâm sự: Câu cá tại lòng hồ thủy điện có sức hấp dẫ kỳ lạ, những lúc chưa có cá bạn có thể tranh thủ ngắm cảnh thiên nhiên, lắng nghe tiếng chim rừng hót. Và khi những đàn cá đến thăm, lúc đó bạn sẽ được tận hưởng những cảm giác hồi hộp, sung sướng và cả tiếc nuối, những cảm giác đó tăng dần theo tầm cỡ con cá. Sướng nhất là những lúc dính cá to, nó cứ loằng ngoằng không chịu vào bờ, mình kéo nó vào thì nó lại chạy ra xa ...

Câu cá ở lòng hồ thủy điện không quá khó, anh Nguyễn Huy Hiến ở khu phố 6 thị trấn Hai riêng là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề câu cá cho biết: "người câu đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó; những lúc cá cắn mồi phải tập trung đầu óc, mắt, chân tay, chọn thời điểm thích hợp để giật câu, sớm quá thì dễ sểnh, để lâu cá sẽ nhả mồi".

Người đam mê câu cá cũng có khá nhiều vất vả. Anh Hiến nói: "Gần đây do tình trạng dùng xung kích điện tràn lan nên cá nhát không dám vào bờ, để đến được những nơi có cá to và nhiều cá thì phải vượt qua hàng chục cây số với những đoạn đường khó khăn, luồn lách qua những khe rừng hoặc sình lầy để tìm đến những nơi vắng vẻ.

Bên cạnh đó vào mùa nắng nóng việc chuẩn bị mồi câu là trùng đỏ, loại mồi mà cá rô phi rất ưa thích cũng là cả một vấn đề". Còn anh Hoàng Ngọc Thục khẳng định: "vượt lên trên những cảm giác hoang dã, với họ thú đi câu đã trở thành một môn thể thao, một nét văn hóa rèn luyện sự tinh nhanh, tính kiên trì và một tâm hồn thư thái".

Sau những chuyến đi câu cuối tuần, ngoài việc thỏa mãn sự đam mê, thành quả mà họ mang về là những chú cá rô phi tươi rói được đựng đầy ắp trong tủ lạnh. "Những bà xã thì vui mừng không kém bởi giờ đây không còn cảnh phung phí thời gian vào những cuộc nhậu vô bổ, mà họ còn được thỏa sức trổ tài tay nghề chế biến các món ăn ngon từ cá mà không phải mất tiền đi chợ"- anh Thục tâm sự- Quả là vẹn đủ đôi đường.

Từ khi thủy điện Sông Hinh và thủy điện Sông Ba Hạ đi vào hoạt động ổn định, dọc theo lòng hồ với những cánh rừng tự nhiên hoặc những đồi keo xanh tốt đã là điểm đến lý tưởng cho những chuyến dã ngoại tập thể. Thầy giáo Nguyễn Tấn Hồng, giáo cơ sở trường THCS Trần Phú (huyện Sông Hinh) cho biết: "vào những ngày lễ, ngày 8/3 hoặc 20/10, công đoàn trường thường tổ chức toàn thể đoàn viên đi du lịch dã ngoại kết hợp thi câu cá đã tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh, đoàn kết. Sản phẩm được nướng tại chỗ trên đống than hồng cùng nhúm muối trắng, một món ăn hoang dã nhưng đầy hương vị ngọt ngào, thơm ngon như lời mời hẹn gặp lại...".

Thủy điện Sông Hinh là một công trình thủy điện của Việt Nam trên dòng sông Hinh tại địa phận xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa độ 35 km về hướng Tây-Nam. 

Thủy điện Sông Hinh gồm 2 tổ máy phát điện, mỗi tổ có công suất 35 MW. Sản lượng bình quân là 370 triệu kWh/năm. Mực nước dâng bình thường là 209 m, mực nước chết là 196 m, tổng dung tích hồ chứa 357 triệu m³. Cao trình đỉnh đập là 215 m, khả năng xả lũ cao nhất là 6.952 m³/giây.

Thủy điện Sông Hinh bắt đầu được xây dựng từ năm 1993 và hoàn thành vào năm 2001. Công trình này do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh vận hành và khai thác. Hiện công ty này đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp hồ thủy điện Sông Hinh để tăng công suất công trình thêm 60 KW (Wikipedia.org).

Theo Văn Thùy (Blog Sông Hinh Miền Đất Tôi Yêu)
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét