Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Mùa thu lên Thánh địa Trúc Lâm...

(BQN) - Nằm trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt tại Đông Triều, Ngoạ Vân tự thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê (Đông Triều) có địa thế rất đẹp về cảnh quan và phong thuỷ: Lưng tựa vào núi là đỉnh Ngoạ Vân (hay còn gọi là núi Bảo Đài) bốn mùa mây phủ, hai bên là hai dãy núi làm tay nga, phía trước có ngọn núi nhỏ làm tiền án, xa hơn về phía nam là những thung lũng lớn có dòng sông Cầm đỏ nặng phù sa uốn lượn mềm mại...

Ngoạ Vân am, nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và hoá Phật của Đức vua Trần Nhân Tông và trở thành thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm chính là nơi mà ai cũng ước ao được một lần đặt chân tới. Đến đó để được chiêm bái tượng Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch trong Ngoạ Vân am cổ kính nằm chênh vênh trên tảng đá lớn ở phía sau chùa Ngoạ Vân quanh năm mây mù bao phủ.

Đến đó để còn được chiêm bái khung cảnh bồng lai như trong bài thơ thiền cổ có tên “Đăng Bảo Đài sơn” của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Địa tịch Đài du cổ/ Thì lai xuân vị thâm/ Vân sơn tương viễn cận/ Hoa kính bán tình âm/ Vạn sự thuỷ lưu thuỷ/ Bách niên tâm ngữ tâm/ Ỷ lan hoành ngọc địch/ Minh nguyệt mãn hung khâm”. (Dịch là: “Đất vắng lâu đài thêm cổ xưa/ Xuân sang vừa đó mới theo mùa/ Gần xa, thấp thoáng mây lồng núi/ Nắng rợp mơ hồ một ngõ hoa/ Nước đẩy nước trôi đời vạn sự/ Tâm nghe lòng nhủ một mình ta/ Nâng ngang sáo ngọc bên thềm vắng/ Đầy ngực trăng trong toả ánh ngà”.

Theo một số nhà nghiên cứu nhận định, đây là khung cảnh rất thực ở núi Bảo Đài vào lúc chớm xuân. Bởi Yên Tử thời Trần chắc chắn còn là miền đất hẻo lánh, núi rừng xa xôi; không rõ toà đài trong bài thơ này có từ bao giờ, có phải cũng là một hành cung đời Trần, vì đất quạnh nên trông có vẻ cổ kính hơn và vì thời tiết lúc đó mới đầu xuân, nhiều mây, nắng mưa bất chợt, cho nên núi và mây trở nên mờ ảo như xa lại như gần, còn ngõ hoa thì chỗ râm chỗ nắng... Và con đường mà các bậc tiền nhân đã đi xưa ấy nay đã được mở rộng, đổ bê tông phẳng lỳ, xe ô tô có thể vào tới tận phủ Am Trà. Cùng với đó, tuyến đường hành hương tiếp theo lên đến chùa Ngoạ Vân cũng đã được mở rộng, kè bậc đá để nhẹ nhàng nâng bước chân du khách hành hương về đất Phật…

Không ồn ào náo nhiệt như ở “Kinh đô Phật giáo” Yên Tử (TP Uông Bí), con đường hành hương từ hồ Trại Lốc thuộc xã An Sinh đi dọc suối Phủ Am Trà qua khu Thông Đàn để lên đến chùa Ngoạ Vân, từng đoàn người vẫn lặng lẽ trải bước hành hương leo núi trên con đường của Đức vua - Phật hoàng và các bậc tiền nhân đã đi hơn 700 năm về trước. Tất cả như đang lắng nghe lời kinh Phật phát ra từ chiếc đài cassette của các cụ già đi phía trước đang hoà cùng với tiếng róc rách của dòng suối Phủ Am Trà dưới nắng thu và gió núi của rừng già.

Có lẽ trong tâm mỗi du khách đã đặt chân tới nơi này thì đây không chỉ là cuộc leo núi đơn thuần. Họ đang lắng mình trải nghiệm với Ngoạ Vân am, để có được những khám phá bất ngờ nơi đất Phật linh thiêng.

Chùa Ngoạ Vân đang được trùng tu, tôn tạo trên nền cũ của chùa cổ thời Lê trung hưng ở phía dưới. Ở trên ngôi chùa hiện tại, phía sau Phật hoàng tháp, nơi lưu giữ một phần xá lỵ của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là khoảng sân của ngôi chùa Ngoạ Vân hiện tại đã rộng hơn, bởi các công trình tạm bằng gỗ được dựng lên trước đây như nhà tăng ni, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, bể nước… nay đã được di chuyển xuống phía dưới.

Đồng thời, đã có cả các thùng đựng rác được đặt quanh những lối đi. Có được điều đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của các em học sinh và giáo viên toàn ngành Giáo dục huyện Đông Triều trong thời gian qua…

Lên Ngoạ Vân am - Thánh địa Trúc Lâm trong những ngày đầu thu này, cùng khách thập phương hân hoan chiêm bái nơi cõi Phật, chợt thấy lòng mình thanh thản, bình yên hơn…

Theo Nguyễn Xuân (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!

Huyện và tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh đã chính thức khởi công tôn tạo chùa Ngọa Vân bắt đầu từ ngày 19-3 (tức 19-2 âm lịch). Chùa Ngọa Vân sẽ được tôn tạo trên nền móng cũ, tại vị trí trung tâm của núi Vây Rồng (còn có tên núi Bảo Đài). Công trình tổng mức đầu tư khoảng 84 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Công trình được tu bổ trên diện tích 2.700m2, gồm nhiều hạng mục như: Tam bảo, nhà Tổ, nhà tăng - nhà khách, cổng chùa, am hoá vàng, nhà trưng bày khảo cổ, vườn tháp... Trong đó, Tam bảo gồm 2 nếp nhà, hình chữ nhật, có kết cấu 3 gian, 2 chái, sử dụng hệ khung mái bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài, ngói chiếu có hoa văn chữ thọ. Bờ nóc, bờ dải, đầu đao con giống được làm theo kiến trúc truyền thống.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét