Nơi ấy Măng Lùng
Chúng tôi đã trở về từ nơi ấy, nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My). Ngôi làng chênh vênh bám vào dãy Ngọc Linh nơi đầu nguồn, chở che cho những mảnh đời Xê Đăng nhọc nhằn sống dưới tán rừng.
Gửi xe máy, chúng tôi leo bộ lên nóc Măng Lùng. Con đường dốc nối dốc, mỗi bước chân là một lần đầu gối chạm mặt, mồ hôi rịn ướt áo. Vậy mà cô giáo Trần Nữ Hàn Cơ với lỉnh kỉnh ba lô, đồ đạc vẫn bước phăng phăng. Cô Cơ từng có hơn 10 năm cắm bản dạy chữ ở Măng Lùng, nay đã xin chuyển về quê Thăng Bình. Trở lên Măng Lùng thăm gia đình em trai đang ở trong ngôi nhà cũ của mình, cô Cơ trở thành người hướng dẫn bất đắc dĩ cho chúng tôi. May mắn, vì khi vừa đến Trường Tiểu học Ngọc Linh, điểm cuối cùng xe máy có thể tới nơi, chúng tôi gặp và được cô dẫn đường lên nóc.
Nắng từ phía tây
Từ điểm trường Ngọc Linh lên đến Măng Lùng, theo lời cô Cơ mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ. Nhưng đó là với người quen cái chân leo dốc, quen cái lưng gùi hàng. Chúng tôi phải mất gấp đôi thời gian như thế. Vừa vì những lần nghỉ chân sau khi băng qua một ngọn núi, vừa vì bị níu chân bởi cố ghi lại những hình ảnh quá đẹp dọc đường. Con đường mòn xẻ đôi những con dốc, qua những ruộng lúa nước đang lên xanh mướt, rồi lại len lỏi dưới tán rừng.
Đang gò lưng vượt dốc, chợt hụt chân khi trước mắt là một ngôi làng nằm lọt giữa đồng cỏ xanh rì, đẹp ngỡ ngàng. Cô Cơ cho biết đấy là nóc Kon Bin, nằm giữa đoạn đường từ trung tâm xã Trà Linh lên Măng Lùng. Nghỉ chân trong tiệm tạp hóa duy nhất ở Kon Bin, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy hàng hóa chất đầy nhà. Hơn chục người là phụ nữ và trẻ em trở thành bạn đồng hành tiếp theo cùng chúng tôi. Họ là cư dân Măng Lùng đi gùi hàng thuê.
Măng Lùng nằm gần cuối đường. Đồng hồ chỉ 2 giờ chiều. Đó cũng là khoảnh khắc đẹp nhất ở Măng Lùng, khi nắng có thể rọi được khắp làng. Nói như thế, là vì chúng tôi đã ở lại nóc hết buổi sáng của ngày hôm sau. Nhìn thấy trời hửng sáng phía đông, nhìn thấy phía chân trời xa tít tắp, nhưng những ngọn núi và cách dựng nhà dọc sườn đồi đã trở thành bức bình phong chắn ánh mặt trời. Nắng đến với Măng Lùng từ phía tây, khi mặt trời đã băng qua đỉnh đầu, vươn lên trên những ngọn núi trập trùng bủa vây nóc nhỏ. Nắng phía tây, theo quan niệm dân gian, thường là không tốt. Vậy mà họ đã chọn sống ở đó, chọn dựng những ngôi nhà bám lấy sườn dốc, chông chênh, mong manh. Một ngôi làng kỳ lạ!
Chúng tôi theo cô Cơ về nhà em trai. Căn nhà giờ là tiệm tạp hóa duy nhất ở Măng Lùng. Hàng hóa đủ loại, nhưng nhiều nhất là bia. Bia chất nguyên một gian phòng. Phía sau nhà là hai nồi rượu lớn đang cất, bếp nghi ngút khói. Nhìn lại quãng đường đã qua, nhìn đoàn người lam lũ lấm bẩn gùi hàng, rồi nhìn tiệm tạp hóa nơi chúng tôi đang ở tạm, quả là kỳ lạ!
Như bếp lửa khuya
Đi bộ khắp làng, chúng tôi vào từng nhà, gặp từng người, tìm cách bắt chuyện. Người Xê đăng ở Măng Lùng nói tiếng Kinh rất khó nghe. Ngay cả trưởng nóc, già Trần Xuân Đoàn cũng nói tiếng được tiếng mất. Câu chuyện về Măng Lùng vì thế vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ sau những khó khăn về giao tiếp và cả sự e dè của người địa phương. Không hiểu sao, người ở Măng Lùng rất rụt rè. Họ im lặng. Những ánh nhìn dò xét, những câu trả lời vô nghĩa, rơi tõm vào chiều.
Trong số ít những điều mà chúng tôi ghi được, là chuyện của già Đoàn. Nhà của già Đoàn là cái đầu tiên ở nóc lợp tôn. “Không ai dám làm, vì kiêng, vì sợ. Tôi đi bộ qua Kon Tum mua tôn về đóng lên nhà mình.
Một năm sau, nhà vẫn bình an, người trong nóc mới bắt chước mua tôn về lợp mái. Đó là hồi năm 1998” - già Đoàn nói. Già Đoàn nhớ chính xác năm 1998, vì khi đó ông đặt tên cho đứa cháu ngoại mới sinh ra là Hồ Văn Vôn, nghe gần với chữ “tôn” để “kỷ niệm” cho cái mái tôn vừa lợp.
Giờ thì Măng Lùng đã có vài cái tua-bin điện, xem được ti vi, có máy hát. Nhưng đi quanh làng, những người đàn bà vẫn cặm cụi giã gạo bằng tay, dăm ba bữa lại xuống Kon Bin còng lưng gùi thuê những thùng hàng nặng gần cả tạ cho tiệm tạp hóa. May ra, nhờ có cây sâm Ngọc Linh giúp một ít trong số họ đổi đời. Đổi đời là từ đói sang hết đói. Họ vẫn sống buồn tẻ trong những căn nhà, giã gạo bằng tay, hái rau rừng, nấu ăn chỉ bỏ muối và chữa bệnh bằng cách giết heo, giết chó cúng thầy mo.
Thi thoảng lại đem nhau ra “đâm tay”, tức phân xử bằng cách dùng que nứa đâm vào gan bàn tay, xem máu chảy ra để mà phán xét rồi phạt vạ. Cô Cơ kể, đến tận bây giờ, ở Măng Lùng, con gái mười ba mười bốn tuổi đã lấy chồng, đẻ con, già quắt người. Đàn ông thì ngập trong men rượu. Chúng tôi gặp Hồ Thị Cang đang gùi trên lưng 6 thùng bia chất cao quá đầu. Đứa con gái của Cang mới hơn 6 tuổi vậy mà cũng đã theo mẹ gùi hàng thuê, lặc lè thùng bia trên lưng. Em tránh đi, trốn ống kính khi chúng tôi giương máy ảnh.
Măng Lùng buồn như bếp lửa khuya. Chúng tôi ngồi sườn núi Ngọc Nguồn, nhìn suối Tơ Tu nhọc nhằn lách qua từng khe đá. Nước là một trong những khởi nguồn của sự sống, vậy mà nơi đây suối quắt lại, bị chặn bởi những tua-bin.
Chằng chịt dọc đường là những ống nhựa chiết từng chút nước dẫn về nhà. Cô Cơ nói với chúng tôi, Măng Lùng giờ chỉ trông chờ vào những đứa trẻ lớn lên, đi học. Trong số đó, có không ít là học sinh của cô. Chúng nó học, biết tính, biết nghĩ, sau này họa may mới thoát khỏi cảnh gùi thuê, không ngập chìm trong men rượu.
Đêm ở Măng Lùng lạnh buốt. Đàn ông ngồi chật kín chiếc bàn trước tiệm tạp hóa, uống rượu chay. Hồ Văn Phát, tuổi chưa đầy 23, mặt già sọm, khoát tay gọi thêm một ca rượu. Uống bằng ca, không mồi mè, tu liên hồi như nước lã. Hai ông già trong bàn đứng dậy. “Tối rồi. Về”. “Không… Còn rượu… Bố uống đi chứ. Anh Long… cho thêm ca rượu…” - Phát lè nhè nói và gọi chủ quán.
Mười lăm phút sau thì anh chàng rơi khỏi ghế, ngã chỏng vó, loay hoay không trở dậy được. Anh chủ quán đem ca rượu cuối cùng đặt lên bàn, nhìn cậu chàng rồi cười như phân bua với khách: “Ngày nào cũng thế, quen rồi!”. Một ngày, tiệm tạp hóa ấy đun hai nồi rượu, khoảng hơn 60 lít. Năm giờ sáng, chủ nhà chưa ngủ dậy trẻ con đã đến gõ cửa hỏi mua rượu. Mặt trời lặn, không còn nhìn thấy đường nữa cũng là lúc ca rượu cuối cùng đặt lên bàn. Hết sạch. Đất này, sâm quy ra rượu. Tới mùa sâm, có tiền, trả nợ tiền rượu, lại uống …
Buổi sáng ở Măng Lùng thường có mưa. Trời vừa ngớt mưa, chúng tôi rời Măng Lùng, chỉ có gia đình cô Cơ tiễn khách. Đường xuống bớt mệt hơn lúc lên rất nhiều vì không còn phải leo dốc. Có tiếng chào. Hai đứa trẻ trở lên làng, sau một ngày xuống dưới trung tâm xã nhận tiền hỗ trợ. Tiếng chào đầu tiên của người Măng Lùng đến lúc chúng tôi đã đi ra khỏi làng, từ hai đứa trẻ.
Ít ra, nó cũng rũ bỏ những u ám trong suy nghĩ của chúng tôi về một ngôi làng kỳ lạ nằm trên dãy Ngọc Linh. Chợt nhớ lời cô Cơ, cô giáo đã có hơn 10 năm gieo chữ giữa rừng: “Chỉ trông chờ vào những đứa trẻ lớn lên…”.
Những câu chuyện của rừng, của những tộc người mà chúng tôi đã nghe, đã thấy trong hành trình ngắn ngủi của mình chỉ như một vài lát cắt nhỏ từ chiều kích mênh mông của rừng. Còn đó những bản làng, những bếp lửa và vô số phận người, phận đời với biết bao bí ẩn, để yêu, để thương và để trân trọng sức sống mãnh liệt của con người vùng núi. Để điểm dừng chân của hành trình sẽ tiếp tục là những háo hức cho các cuộc đi mới về phía đại ngàn…
Hết
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4
Theo Thành Công, Alăng Ngước (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét