Ngoài chợ nón lá truyền thống Gò Găng (thị xã An Nhơn) nổi tiếng lâu nay, ở Bình Định còn có một phiên chợ đêm khác thường xuyên nhóm họp bán nón lá mà ít người nhắc đến. Đó là chợ đêm bán nón lá Cát Tân (xã Cát Tân, huyện Phù Cát).
< Một góc chợ đêm nón lá Cát Tân.
Không sạp, không mái che, vài ngọn đèn pin, vài ngọn đèn dầu vẫn diễn ra cảnh người mua người bán. Vậy là thành… chợ. Chợ nhóm họp ngay trên nền đất cạnh chợ Phù Cát. Cách năm ngày có một phiên chợ, lần lượt vào các ngày mùng 5, 10, 15 (âm lịch)… của tháng. Chợ nhóm họp từ 1 đến 3 giờ sáng, bày bán các nguyên liệu và sản phẩm nón lá của người dân địa phương trong vùng.
< Bà Bùi Thị Lệ dùng đèn dầu để kiểm tra chất lượng của nón. Nón lá có nhiều giá. Nón một lớp thô làm bằng lá trắng có giá 13.000 đồng/nón, nón làm hai lớp bằng lá kè có giá từ 20.000-30.000đồng/ nón tùy chất lượng.
Khác với làng nghề nón Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) chuyên làm nón ngựa, các làng nón ở Cát Tân như Kiều Huyên, Kiều An… chỉ chuyên làm loại nón lá trắng. Do đó, chợ nón Cát Tân chỉ mua - bán nguyên liệu và tiêu thụ loại nón lá này.
< Bà Trí giới thiệu những khuôn nón với khách hàng.
Chỉ riêng thôn Kiều Huyên có hơn 600 hộ thì hầu như 100% đều tham gia làm nón lá, đa phần là phụ nữ và trẻ em gái. Thu nhập từ nghề làm nón không cao, chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng/ người/ngày, đủ trang trải tiền chợ cho gia đình.
Bà Bùi Thị Lệ (55 tuổi) có thâm niên gần 30 năm trong nghề mua - bán nón, cho hay, người mua nón phải dùng đèn dầu để “thẩm định” chất lượng nón trước khi trả giá.
< Lá kè bày bán tại chợ nón Cát Tân.
Do ánh sáng đèn dầu đỏ và ấm nên không lóa như ánh sáng trắng của đèn điện, rõ soi được những đường kim, mũi cước trên từng chiếc nón và phân biệt được màu lá chằm nón tốt hay xâu. Dulichgo
Mua nón nhiều năm, bà Lệ chỉ cần soi đèn, nhìn nón là biết người chằm nón đó là ai. “Kinh nghiệm mà, quen mắt, nhìn hàng là biết ngay thôi”- bà nói. Cũng mặc cả, cũng kỳ kèo thêm bớt, nhưng chợ lại không xô bồ như những phiên chợ khác. Có lẽ, do kẻ mua - người bán đều là chỗ thân quen từ lâu.
< Chị Lê Thị Tiến chọn mua lá kè về gia công nón lá hai lớp.
Chợ đêm nón lá Cát Tân không chỉ là nơi mua - bán nón mà còn bán cả những nguyên liệu cần thiết cho người làm nón như lá trắng, lá kè, cây lồ ô, khuôn nón, chỉ màu dùng để thêu, cước để chằm nón…
Vừa giới thiệu những khuôn nón, bà Nguyễn Thị Trí (70 tuổi, ở Cát Tân) vừa cho biết: “Chợ nón lá Cát Tân có lâu lắm rồi. Từ thời ông bà, cha mẹ tôi làm nón. Chợ nón Gò Găng có lúc nào thì chợ nón Cát Tân nhóm họp từ lúc đó”.
< Cây lồ ô và cây giang là những nguyênliệu không thể thiếu trong việc làm nón lá.
Chợ nón Cát Tân bày bán đủ loại nguyên liệu, sản phẩm của người làm nón lá xung quanh đây. Còn chợ nón Gò Găng thì chuyên việc gom hàng và mua bán sỉ các loại nón ngựa, nón lá cho khách hàng ngoài tỉnh nên được nhiều người biết tới hơn phiên chợ ở Cát Tân này - bà Trí cho biết thêm.
< Vành nón là sản phẩm mà chị Liên mang bán mỗi phiên chợ.
Mỗi phiên chợ, bà Trí đem theo những khuôn nón làm sẵn bày bán. Mỗi khuôn nón có giá 40.000 đồng. “Gia đình tôi làm nón nhiều đời, đến nay con gái, con dâu vẫn theo nghề nón. Lời lãi không là bao nhưng là cái nghề từ thời cha ông để lại, thêm nữa còn là nghề phụ kiếm cơm những ngày nông nhàn”- bà Trí bộc bạch. Dulichgo
< Chị Đỗ Thị Mỹ Dung (38 tuổi, Phú Gia, xã Cát Tường) đem phơi những xấp lá kè để làm nón ngựa.
Từ thôn Phong An (xã Cát Trinh), chị Lê Thị Tiến (27 tuổi) đều đặn đến chợ nón Cát Tân mỗi ngày nhóm họp để chọn mua lá kè - loại lá dùng làm nón ngựa, nón lá hai lớp. Là kè là nguyên liệu làm nón đắt nhất được bày bán ở chợ nón Cát Tân, mỗi xấp bán với giá 50.000 đồng. Theo chị Tiến, lá kè được nhiều người mua từ nơi khác tới Bình Định bán nên giá cao hơn, trong khi lá trắng chỉ bán với giá 6.000 đồng/mớ.
< Bà Trần Thị Kéo (78 tuổi) là người cao tuổi nhất còn theo nghề làm nón ngựa ở Phú Gia. Thời trẻ, hầu như bà Kéo chưa một lần bỏ sót phiên chợ nón Gò Găng hay chợ nón Cát Tân. Bán nón ở Gò Găng, mua nguyên liệu ở Cát Tân. Những người đi chợ lớp cũ vẫn còn nhớ đến bà, dẫu đã gần 20 năm nay bà Kéo chẳng còn đi họp chợ.
Làm nón và khai thác nguyên liệu cho nghề nón đã giúp cho nhiều người mưu sinh. “Mỗi tuần hai ngày, tôi lên núi Kim Sơn (huyện Hoài Ân) lấy giang về bán. Mỗi lần đi, tôi lấy khoảng 200 đốt giang, mất 6 tiếng một ngày để chặt số giang trên. Đến phiên, hai vợ chồng đưa giang ra chợ. Phiên nào, vợ chồng tôi cũng bán gần hết số giang trên. Thu nhập một tháng nhờ việc lấy giang cũng được sáu, bảy trăm ngàn, đủ lo cho con cái học hành” - ông Lê Trí Thành (47 tuổi, thôn Phú Gia, xã Cát Tường) cho biết. Dulichgo
< Chợ nón Cát Tân nhóm họp vào giữa đêm.
Mỗi đốt giang có giá bán 2.000 đồng, làm được 4 chiếc nón; đốt lồ ô bán 9.000 đồng, làm được khoảng 15 nón.
Cứ vậy, bền bỉ với tháng năm, phiên chợ nón lá đêm Cát Tân vẫn đông người họp chợ mỗi phiên, thể hiện sức sống của một làng nghề nón lá bên cạnh làng nón ngựa Phú Gia nổi tiếng của Phù Cát. Không ai khác, chính những nông dân tâm huyết với nghề đã dưỡng nuôi và làm nên sức sống ấy cho làng nghề.
Theo Gia Vũ, Thu Dịu (Báo Bình Định)
Du lịch, GO!
Chợ nón Gò Găng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét